Các startup vẫn gặp nhiều rào cản về quản lý

15:44' - 02/05/2019
BNEWS Hội thảo "Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị" đã diễn ra sáng 2/5, tại Hà Nội.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Hội thảo nằm trong trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ: Bắt nhịp với những diễn biến nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những cách thức ứng phó phù hợp mà Việt Nam đưa ra là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm.

Thời gian qua, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư. Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017...

"Những thành quả ban đầu đó trước hết là do tiềm năng con người Việt Nam được đánh thức thông qua những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh kinh tế tư nhân, là quyết tâm của Chính phủ xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm... khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, kinh nghiệm, cơ hội, thách thức, từ đó hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp trong phát triển các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, hệ sinh thái khởi nghiệp cần thêm rất nhiều yếu tố để thực sự hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Hiện tại, các startup vẫn gặp nhiều rào cản về quản lý. "Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đó vì rào cản trùng điệp.

Kiểu quản lý ấy ngăn cản đổi mới sáng tạo. Theo tôi, chúng ta đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không nên tư duy theo kiểu Nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, năng lực Nhà nước đến đâu thì cho dân làm đến đấy mà nên hướng về việc quản lý phục vụ phát triển. Chỉ như vậy, startup mới tin rằng khó khăn của họ sẽ được giải quyết", ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Theo ông Cung, năng lượng khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất lớn, nên chỉ cần Nhà nước bỏ một rào cản, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Logivan, bà Linh Phạm chỉ ra các lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư vào start up Việt Nam. Theo đó, các start up ở Việt Nam gặp rào cản liên quan đến ngôn ngữ. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là yếu tố quan trọng để startup vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo như là một môn học tại các trường đại học, cần có một giáo trình đào tạo bài bản. Các ngân hàng cũng cần có chính sách tín dụng cho các nhà sáng lập để có thể hoạt động đến khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, cần có một chương trình Cafe với Thủ tướng, giúp các startup có cơ hội trình bày khúc mắc, ý tưởng với Thủ tướng. Ở một số địa phương đã có các doanh nghiệp làm việc với cơ quan của tỉnh, nhưng đó đều là các doanh nghiệp lớn.

Nhiều ý kiến đề xuất, nếu Chính phủ có một cổng thông tin chung, khi doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo sản phẩm hay dịch vụ có thể đăng ký ngay để bảo hộ ý tưởng sáng tạo, người mua hàng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đó, liên thông tới các thị trường khác, không xảy ra tình trạng mất thương hiệu.

Đặc biệt, thông qua cổng thông tin này, các ngân hàng có hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vì doanh nghiệp đi vay vốn rất khó khăn.../.

Xem thêm:

>>Kinh tế tư nhân gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn

>>Chính phủ sẽ đối thoại với 2.500 doanh nghiệp tư nhân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục