Các tập đoàn công nghệ có thể phải đóng góp cho cơ sở hạ tầng viễn thông ở EU

06:50' - 04/08/2022
BNEWS Pháp, Italy và Tây Ban Nha đang gia tăng sức ép lên Ủy ban châu Âu (EC) nhằm tìm kiếm một đạo luật đảm bảo các tập đoàn công nghệ tài trợ một phần cho cơ sở hạ tầng viễn thông trong liên minh.

Đây là lần đầu tiên chính phủ 3 nước trên bày tỏ quan điểm chung về vấn đề này.

 

Theo một bản sao tài liệu được hãng tin Reuters tiết lộ, chính phủ các nước Pháp, Italy và Tây Ban Nha cho rằng 6 nhà cung cấp nội dung lớn nhất chiếm 55% lưu lượng truy cập Internet.

Điều này làm phát sinh chi phí đặc biệt cho các nhà khai thác viễn thông châu Âu trong việc nâng cao nặng lực vào thời điểm họ đang đầu tư mạnh mẽ vào những phần tốn kém nhất của mạng với 5G và Fiber-To-The-Home (công nghệ cung cấp Internet tốc độ cao bằng cách sử dụng cáp quang chạy trực tiếp vào nhà, tòa nhà hoặc văn phòng).

Tài liệu đề xuất xây dựng một đạo luật nhằm đảm bảo tất cả các bên tham gia thị trường, trong đó có các mạng viễn thông châu Âu và các nhà cung cấp nội dung trực tuyến lớn, phải đóng góp công bằng vào chi phí cơ sở hạ tầng kỹ thuật số Quan chức Chính phủ Italy đã xác nhận các chi tiết của tài liệu chung nói trên.

Tháng 5 vừa qua, các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang xem xét khả năng những "gã khổng lồ" công nghệ như Google của Alphabet, Meta và Netflix sẽ gánh vác một phần chi phí trong việc nâng cấp mạng viễn thông.

Theo một nghiên cứu được nhóm vận động hành lang viễn thông ETNO công bố vào đầu năm nay, việc các tập đoàn công nghệ đóng góp 20 tỷ euro hằng năm cho chi phí mạng có thể mang lại 72 tỷ euro cho nền kinh tế EU.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền kỹ thuật số đã cảnh báo việc các tập đoàn công nghệ chi trả một phần chi phí có thể đe dọa các quy tắc bình đẳng trên Internet của EU, điều mà họ lo ngại có thể bị làm suy yếu trong một thỏa thuận với những "gã khổng lồ" trực tuyến để giúp tài trợ cho mạng viễn thông.

Tài liệu trên nhấn mạnh mọi đề xuất lập pháp nào cũng phải "đảm bảo sự công bằng giữa những người dùng phù hợp với các quy tắc về tính bình đẳng trên Internet - một nguyên tắc cơ bản mà chúng ta cần phải bảo vệ"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục