Các tín hiệu kinh tế giảm tốc đang xuất hiện trên toàn cầu

08:21' - 03/06/2023
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, báo Nikkei phiên bản tiếng Trung cho biết nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu giảm tốc đang xuất hiện trên thị trường.

Bài báo cho biết do kỳ vọng đối với đà phục hồi kinh tế Trung Quốc suy yếu, giá các loại hàng hóa chủ chốt bao gồm kim loại đồng đã giảm 20%-30% so với mức cao nhất của năm nay.

 

Trên thị trường trái phiếu Mỹ, thời gian kéo dài của hiện tượng đảo nghịch lợi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn được coi là tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế ghi nhận kỷ lục dài nhất trong 42 năm qua, giá cước vận tải đường biển thấp cũng phản ánh sức tiêu thụ yếu của châu Âu và Mỹ.

Mặc dù có các nhân tố tích cực cho tương lai như vấn đề trần nợ của Mỹ đạt được tiến triển khả quan, nhưng ba tín hiệu trên phản ánh sự lo ngại mạnh mẽ của thị trường đối với nền kinh tế.

Về khía cạnh giá cả hàng hóa, giá kim loại đồng giảm 20% so với mức cao nhất của năm nay, kẽm giảm 30%, nhôm giảm 20%, tất cả đều xuất hiện xu thế giảm mạnh.

Đặc biệt đồng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề như cơ sở hạ tầng, ô tô, sản phẩm điện gia dụng… nên biến động giá của đồng được quan tâm sát sao. Giá đồng giảm mạnh phản ánh mối lo ngại của thị trường đối với sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc vốn chiếm 60% nhu cầu đồng toàn cầu.

Về bất động sản, mảng này được coi là chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế. Đầu tư phát triển bất động sản 4 tháng đầu năm của nước này giảm 6,2% so với cùng kỳ.

Mặc dù trước đó dự kiến kinh tế sau dịch bệnh phục hồi sẽ thúc đẩy đầu tư gia tăng, nhưng tình hình chu chuyển dòng tiền của các doanh nghiệp phát triển bất động sản vẫn không ổn định, các khoản đầu tư phát triển mới trầm lắng.

Trong khi đó, năng lực đầu tư hạ tầng cơ sở của các chính quyền tại một số địa phương suy yếu, rất khó thông qua chi tiêu ngân sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh bất động sản, trong tháng 4 và tháng 5 năm nay, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm. Do kinh tế châu Âu và Mỹ cũng thiếu lực tăng trưởng nên xuất khẩu của Trung Quốc khó tăng tốc.

Trên thị trường trái phiếu, quan điểm bất an đối với triển vọng kinh tế Mỹ ngày càng nhiều. Tình trạng bất thường lợi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ được gọi là “đảo nghịch lợi suất”. Đây được coi là tín hiệu cảnh báo của suy thoái kinh tế.

So sánh trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ sẽ phát hiện rằng, tính đến ngày 26/5, trạng thái đảo nghịch lợi suất đã kéo dài 226 ngày, ghi nhận kỉ lục dài nhất trong 42 năm qua sau năm 1981.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng và 10 năm có lúc nới rộng lên -1,9% vào đầu tháng 5, là mức giảm cao nhất trong 42 năm. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York dựa trên chênh lệch lãi suất đã tính xác suất suy thoái của Mỹ là 68%, cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng Lehman Brothers và bong bóng công nghệ thông tin.

Nguyên nhân chênh lệch trên là do Hội đồng Dự trữ Liên bang Mỹ (FRB) thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát có thể sẽ làm liên lụy nền kinh tế. Chỉ số vật giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua kỳ vọng của thị trường…, độ bám của lạm phát ngày càng rõ nét. Kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng mạnh, điều này sẽ khiến cho xu hướng đảo nghịch lợi suất kéo dài. 

Tình hình vận tải biển phản ánh sức tiêu thụ yếu của châu Âu và Mỹ, tiếp tục ảm đạm.

Theo sở giao dịch vận tải đường thủy Thượng Hải (Shanghai Shipping Exchange), cước phí vận chuyển hàng giao ngay từ Thượng Hải đến bờ Tây nước Mỹ vào tuần thứ 4 của tháng 5 là 1.398 USD đối với mỗi container 40 feet, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, cước phí vận chuyển từ Thượng Hải đến châu Âu là 859 USD đối với mỗi container 20 feet, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp vận tải container nói rằng đây là mức giá không có lãi.

Nguyên nhân vận tải hàng hóa chậm lại là do tồn kho dư thừa tích tụ của ngành bán lẻ ở châu Âu và Mỹ. Phần lớn sản phẩm tiêu dùng cuối cùng như đồ dùng gia đình, áo quần và đồ chơi… được vận chuyển từ châu Á sang châu Âu và Mỹ. Chuỗi cung ứng hỗn loạn do đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải bảo đảm tồn kho, trong khi tiêu dùng tăng trưởng chậm lại do lạm phát.

Tồn kho biến thành dư thừa, bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, lưu lượng vận tải suy giảm nhanh chóng. Mặc dù doanh số bán lẻ tháng 4 của Mỹ cao hơn tháng trước, cũng có quan điểm cho rằng tiêu thụ hiện tại ổn định, nhưng có thể thấy nhu cầu nhập khẩu mới không mạnh. Tại Trung Quốc, xu hướng nhập khẩu quặng sắt và than đá suy yếu, cung và cầu trọng tải chở hàng chậm lại. 

Sau giữa tháng 2, cùng với việc dỡ bỏ chính sách phòng dịch nghiêm ngặt và kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất phát từ kỳ vọng hoạt động kinh tế sôi động, Trung Quốc từng mở rộng nhập khẩu, nhưng hiện nay nhu cầu không lớn như mong đợi, điều này dẫn đến chỉ số suy giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục