Cách chọn đồ lễ cúng ông Công ông Táo

12:17' - 24/01/2019
BNEWS Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Ảnh minh họa: Internet

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.

Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.

Tục lệ khi mua đồ cúng ông Táo, tùy vào năm theo ngũ hành mà chọn màu sắc của áo, mũ, hia tương ứng, ví dụ như năm hành kim dùng màu vàng, hành thủy dùng màu xanh...

Mâm cỗ cúng ông Táo không nhất thiết phải cầu kỳ, nhưng phải đầy đủ món canh, món xào, xôi, giò chả, chè kho, hoa quả, thịt luộc, quả cau, lá trầu, gạo, muối, rượu và 1 lọ hoa nhỏ hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc).

Tục lệ khi mua đồ cúng ông Táo, tùy vào năm theo ngũ hành mà chọn màu sắc của áo, mũ, hia tương ứng, ví dụ như năm hành kim dùng màu vàng, hành thủy dùng màu xanh... Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23, mâm cúng phải đặt trong bếp. Sau khi cúng, những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công.

Theo phong tục miền Bắc, người dân còn cúng cá chép còn sống để các ông, bà Táo có phương tiện về chầu trời, với ngụ ý "cá chép hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Sau khi làm lễ, cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông).

Lễ cúng ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh, hướng tới bình an, không chỉ của người dân Hà Thành, mà còn là của chung người dân trên khắp cả nước. Những năm gần đây, sau rằm tháng chạp người dân đã bắt đầu cúng ông công ông táo về trời mà không cần chờ đến đúng ngày 23 tháng chạp.

>>> Thị trường vàng mã cúng ông Táo vào mùa

>>> Rục rịch lễ tiễn ông Công ông Táo về trời

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục