Cách Malaysia nuôi dưỡng nền kinh tế số

05:30' - 30/12/2024
BNEWS "Malaysia là một trung tâm quan trọng cho cơ sở hạ tầng điện toán ở Đông Nam Á", nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang, cho biết.
Những “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu coi Malaysia là điểm đến được lựa chọn cho các khoản đầu tư của họ tại châu Á. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào quốc gia Đông Nam Á này trong vài năm qua là rất lớn, đưa Malaysia trở thành điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư công nghệ cao trong khu vực.

Năm 2023, Malaysia đã thu hút tổng số vốn đầu tư được phê duyệt ở mức cao kỷ lục, đạt 329,5 tỷ ringgit (72,75 tỷ USD), cao hơn 23% so với năm 2022. Xu hướng này tiếp tục trong nửa đầu năm 2024 với 160 tỷ ringgit vốn đầu tư được phê duyệt, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, trong cả năm 2024, những “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu như Amazon Web Services, Microsoft, Google và Oracle đã công bố kế hoạch đầu tư ít nhất đạt 16,9 tỷ USD (74,5 tỷ ringgit) vào quốc gia này.

Đáng chú ý, công ty công nghệ “hot" nhất thế giới Nvidia – nhà sản xuất chất bán dẫn (chip) tiên tiến cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – đã ký quan hệ đối tác với YTL Power International Bhd để phát triển cơ sở hạ tầng AI tại Malaysia. Thỏa thuận giữa Nvidia và YTL Power International Bhd trị giá 4,3 tỷ USD (19 tỷ ringgit), liên quan đến việc thành lập một trung tâm dữ liệu tại bang Johor.

 
"Malaysia là một trung tâm quan trọng cho cơ sở hạ tầng điện toán ở Đông Nam Á", nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nvidia, Jensen Huang, cho biết trong buổi lễ công bố quan hệ đối tác vào cuối năm 2023.

Phần lớn các khoản đầu tư đều liên quan đến việc thành lập các trung tâm dữ liệu và điều này đã đưa Malaysia trở thành một trung tâm dữ liệu khu vực với các khoản đầu tư được phê duyệt cho các dự án như vậy lên tới 114,7 tỷ ringgit từ năm 2021 đến năm 2023.

Theo Chỉ số trung tâm dữ liệu toàn cầu năm 2024 của DC Byte, Johor Baru đã được công nhận là thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Chất xúc tác cho sự tăng trưởng này một phần là do chiến lược trải thảm đỏ cho các công ty công nghệ, cung cấp các ưu đãi về thuế và trợ cấp để thu hút các khoản đầu tư công nghệ cao của Chính phủ Malaysia.

Nuôi dưỡng nền kinh tế số

Malaysia có lịch sử lâu đời trong việc thu hút đầu tư từ các công ty công nghệ toàn cầu như Intel, Advanced Micro Devices, Dell,.., một phần là do đất nước này sở hữu lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao, cơ sở hạ tầng tuyệt vời, chi phí hoạt động tương đối thấp, ổn định chính trị, hệ thống pháp luật theo chuẩn quốc tế. Trong những năm gần đây, Malaysia cũng là một bên hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi các tập đoàn đa quốc gia chuyển một số hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi đáng chú ý trong chiến lược của chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Malaysia thành nền kinh tế số.

Trong năm 2024, chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim công bố một loạt chính sách liên quan đến công nghệ cao như Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR), Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới (NIMP) và Chiến lược bán dẫn quốc gia. Điều này đánh dấu sự chuyển dịch sang một cách tiếp cận chiến lược hơn để thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nâng cao năng lực công nghệ của đất nước như AI và công nghệ dữ liệu.

Một số nhà quan sát trong ngành cho biết, trọng tâm của chính phủ hướng vào chuyển đổi số đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư kỷ lục chảy vào đất nước này.

Tổng Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Malaysia, Siobhan Das, chia sẻ Thủ tướng Anwar đã tìm cách cải thiện sự thuận lợi trong kinh doanh, đồng thời vạch ra các lĩnh vực chính sách quan trọng cho tương lai của Malaysia như NETR, NIMP và tập trung mạnh mẽ vào chuyển đổi số.

Ngân sách 2025 và chuyển đổi số

Sự tập trung vào nền kinh tế số cũng được phản ánh trong ngân sách Malaysia năm 2025 - được công bố vào tháng 11/2024. Giám đốc công nghệ số và thuế của công ty kiểm toán PwC Malaysia, Yap Sau Shiung, cho biết ngân sách nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc thúc đẩy số hóa, thúc đẩy áp dụng AI và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. "Mục tiêu của các sáng kiến chuyển đổi số của chính phủ trong ngân sách 2025 là đưa Malaysia lên vị trí hàng đầu trong đổi mới kỹ thuật số toàn cầu", ông Yap nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Yap, có sự gia tăng đáng kể trong việc phân bổ cho nghiên cứu và đổi mới AI tại các trường đại học Malaysia, bao gồm 10 triệu ringgit cho Văn phòng AI quốc gia và 50 triệu ringgit cho giáo dục AI. Bên cạnh đó là các ưu đãi thuế cho các hoạt động xuất khẩu thiết kế mạch tích hợp (IC). Khoản trợ cấp cho việc tăng xuất khẩu đối với các công ty tham gia vào các hoạt động dịch vụ được chọn sẽ được mở rộng để bao gồm các dịch vụ thiết kế IC.

Nhờ nỗ lực và quyết tâm của chính phủ, các dự báo chỉ ra rằng đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số sẽ đóng góp 25,5% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra tới 500.000 việc làm tại Malaysia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục