Cách thức giải quyết rủi ro thiên tai toàn cầu

05:30' - 09/07/2017
BNEWS Biến đổi khí hậu có lẽ là ví dụ điển hình nhất về điều mà chúng ta vẫn gọi là "rủi ro thiên tai toàn cầu", những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến bộ phận đông đảo dân số thế giới.
Châu Phi vẫn cần duy trì Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters

Trang tin Allafrica mới đây có bài phân tích nhấn mạnh dù có hay không có Mỹ, châu Phi vẫn cần duy trì Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bài viết của tác giả Wanjira Mathai - tư vấn cao cấp của Trung tâm nghiên cứu WPOWER - nhấn mạnh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris đã vấp phải phản ứng dữ dội, gây mất tinh thần và sự khó hiểu trên khắp châu Phi.

Biến đổi khí hậu có lẽ là ví dụ điển hình nhất về điều mà chúng ta vẫn gọi là "rủi ro thiên tai toàn cầu", những rủi ro có thể ảnh hưởng đến hơn 10% dân số thế giới, xuất phát từ tiến bộ trong công nghệ và sự liên thông trên Trái Đất.

Nạn đói quy mô lớn lan rộng khắp khu vực Đông Phi cùng với hạn hán kéo dài và xung đột vũ trang đã khiến hơn 26,5 triệu người tại đây rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nước và thuốc chữa bệnh khẩn cấp.

Riêng tại Nam Sudan và Somalia, người dân đang chết dần do nạn đói hoành hành dữ dội. Ở Kenya, chính phủ nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và Ethiopia đang phải đối phó với đợt hạn hán tồi tệ nhất, sau khi xuất hiện liên tục hiện tượng El Nino.

Biến đổi khí hậu đang là một hiện thực và tác động đến cuộc sống của hàng chục triệu người trên toàn cầu.

Một nghiên cứu gần đây ở 30 nước châu Phi, của tổ chức nghiên cứu Brookings, có trụ sở tại Washington, cho thấy 2/3 các quốc gia châu Phi có nhiệt độ trung bình nóng lên nhanh hơn tốc độ trung bình của thế giới. Khoa học chứng minh rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng đến lục địa này sẽ ngày càng tiến triển theo chiều hướng tồi tệ hơn.

Chính những người gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới đang quay lưng lại với những người bị ảnh hưởng bởi hành động của họ, điều này thật sự là một cú sốc lớn.

Một cuộc điều tra toàn cầu gần đây tại 8 quốc gia, trong đó có Nam Phi, do Trung tâm ComRes tiến hành cho thấy hơn 8 trong số 10 người coi biến đổi khí hậu là một nguy cơ thảm khốc của nhân loại, ngang hàng với chiến tranh và vũ khí hủy diệt hàng loạt và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại.

Về Hiệp định Paris, các nước khác trên thế giới đang khẳng định rằng: Dù có hay không có Mỹ, các quốc gia khác vẫn sẽ thúc đẩy các cam kết của mình để giảm lượng khí thái carbon và theo đuổi việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế.

Thực tế là những cam kết sâu rộng bao gồm các khuôn khổ quản trị toàn cầu như Hiệp định Paris hay Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), được nhất trí vào năm 2015, phải đi kèm với những hành động có hiệu quả tại địa phương nếu muốn đạt được thành công ở châu Phi cũng như ở những khu vực khác.

Kenya đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng Mặt Trời. Ảnh: Reuters

Ví dụ, theo mục tiêu 7 của SDG, thế giới sẽ đạt mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo hiện đại, giá cả phải chăng và bền vững cho toàn thế giới vào năm 2030. Kenya đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là đạt được 95% điện khí hóa vào năm 2021 và tiến độ đang diễn ra rất nhanh.

Ủy ban Điều tiết Năng lượng Kenya cho biết vào năm 2016, có thêm 1,3 triệu khách hàng được sử dụng điện lưới quốc gia, nâng số người dân được sử dụng điện lên con số 5,4 triệu người, trong khi đó sẽ có thêm 1,5 triệu khách hàng mới trong năm nay.

Đây là một thành công ấn tượng, sẽ cho phép hàng nghìn hộ gia đình ở quốc gia Đông Phi này có điện thắp sáng và biến đổi mạnh mẽ cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, điều này chỉ trở thành thực tế nếu các gia đình có đủ khả năng chi trả và nguồn cung cấp điện ổn định.

Nếu mục tiêu này đạt được, đầu tư quốc gia quy mô lớn vào năng lượng Mặt Trời, cũng như tham vọng sản xuất điện địa nhiệt và triển vọng trong tương lai đối với khí đốt tự nhiên cũng sẽ trở thành một phần của chương trình điện khí hóa của Kenya.

Vấn đề là làm thế nào để chính phủ các quốc gia trên thế giới có thể khai thác tối đa kiến thức chuyên môn và sự khéo léo của người dân? Và hệ thống quản lý toàn cầu có thể quản lý các chính phủ quốc gia như thế nào để có thể đặt ra các mục tiêu quốc gia đầy tham vọng?

Hiệp định Paris đã được công nhận là ví dụ điển hình về một hình thức quản trị toàn cầu mới bao hàm quy mô lớn hơn, bao gồm các cam kết của các thành phố, công ty và các thực thể quan trọng khác. Nhưng các cam kết này vẫn chưa đủ xa và đủ nhanh. Rõ ràng nhu cầu xem xét lại hệ thống ra quyết định toàn cầu của chúng ta đang trở nên cấp thiết.

Theo tác giả Mathai, châu Phi có thể đóng góp rất nhiều trên diễn đàn toàn cầu này, từ những người lớn tuổi, phụ nữ, những nhà sáng tạo công nghệ, truyền thống lâu đời trong suy nghĩ tập thể hoặc kinh nghiệm thực tiễn mà châu Phi có được khi đã phải trải qua những rủi ro toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục