Cải cách kinh tế của Đức giúp thúc đẩy tăng trưởng

16:05' - 13/05/2025
BNEWS Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil, cải cách kinh tế mà chính phủ mới ở Đức đang triển khai sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, qua đó mang lại tín hiệu tích cực cho toàn châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil ngày 12/5 cho rằng các cải cách kinh tế mà chính phủ mới ở Đức đang triển khai sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, qua đó mang lại tín hiệu tích cực cho toàn châu Âu.

Tháng 3/2025, Quốc hội Đức đã thông qua kế hoạch chi tiêu quy mô lớn, cho phép loại trừ các khoản đầu tư quốc phòng khỏi những quy định tài khóa về giới hạn vay nợ của chính phủ, kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công.

 
Ngoài ra, Chính phủ của Thủ tướng Friedrich Merz cũng đã công bố một số chính sách như cắt giảm thuế và tăng lương tối thiểu để khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đức là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) không ghi nhận tăng trưởng trong 2 năm qua và có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là nguy cơ suy thoái, do những tác động từ các biện pháp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bộ trưởng Tài chính Đức Klingbeil hiện ủng hộ cách tiếp cận của Ủy ban châu Âu (EC) về chính sách thương mại với Mỹ, theo đó mong muốn đối thoại để tìm giải pháp nhưng cũng sẵn sàng hành động khi không đạt được thỏa thuận cần thiết.

Theo Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis), kinh tế Đức phục hồi nhẹ trong quý I/2025, tăng 0,2% so với quý trước đó, sau khi điều chỉnh các yếu tố giá cả và mùa vụ. Như vậy, kinh tế Đức đã tránh được suy thoái kỹ thuật do nền kinh tế này đã sụt giảm 0,2% trong quý IV/2024.

Khởi đầu tích cực trong năm nay là nhờ cả chi tiêu tiêu dùng cá nhân lẫn đầu tư của các doanh nghiệp đều tăng so với quý cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với quý I/2024, kinh tế Đức đã suy giảm 0,2% và có khả năng tiếp tục đi xuống do chính sách thuế quan mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Ông Michael Grömling, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại Viện Kinh tế Đức, cho rằng vấn đề thuế quan đang gây áp lực rất lớn lên hoạt động kinh doanh thường ngày. Chính phủ Đức mới phải có biện pháp đối phó phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) để mang lại cho các công ty sự ổn định nhất có thể trong thời điểm bất ổn này". Các nhà kinh tế cũng dự kiến sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây đã nói về “mức độ bất ổn cực kỳ cao”.

Trong khi đó, Viện Kinh tế Đức (IW) cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Đức thất thu tới 290 tỷ euro (330 tỷ USD) trong 4 năm từ 2025-2028. IW cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sụt giảm 1,6% vào năm 2028.

Còn theo Viện nghiên cứu Ifo (Đức), chỉ số môi trường kinh doanh, thước đo quan trọng nhất đối với nền kinh tế Đức, đã bất ngờ tăng lên 86,9 điểm trong tháng 4, tăng so với mức 86,7 điểm của tháng trước. Cuộc khảo sát đối với khoảng 9.000 giám đốc điều hành do Viện Ifo, có trụ sở tại Munich (München), tiến hành cho thấy đây là lần tăng thứ tư liên tiếp của chỉ số này.

Trước đó, các nhà kinh tế đã dự đoán chỉ số môi trường kinh doanh sẽ giảm xuống 85,2 điểm, do các tranh chấp thương mại và nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay.

Mặc dù kết quả khảo sát khá lạc quan nhưng các doanh nghiệp có phần bi quan hơn về hoạt động kinh doanh trong tương lai. Chủ tịch Ifo, Clemens Fuest, cho biết: “Các doanh nghiệp đang cảm thấy bất ổn gia tăng khi nền kinh tế Đức chuẩn bị đón chờ những chao đảo“.

Theo chuyên gia Thomas Gitzel của ngân hàng VP Bank (Đức), trước những đánh giá bi quan về tác động của thuế quan, chỉ số môi trường kinh doanh của Ifo lại có diễn biến đi lên, có thể báo hiệu rằng các biện pháp kích thích kinh tế do những đối tác liên minh cầm quyền tiềm năng đưa ra đang đi đúng hướng.

Theo Viện Ifo, tâm trạng cải thiện đáng ngạc nhiên trong nền kinh tế Đức chủ yếu là nhờ các nhà cung cấp dịch vụ và ngành xây dựng. Người đứng đầu cuộc khảo sát của Ifo, Klaus Wohlrabe, cho biết ngược lại, mọi thứ liên quan đến ngoại thương đều rõ ràng đang có chiều hướng đi xuống.

Kỳ vọng kinh doanh trong ngành công nghiệp đã sụt giảm, cũng như kỳ vọng xuất khẩu của các công ty, do cuộc chiến thuế quan. Ngành bán buôn và những ngành vận tải và hậu cần cũng đang chịu ảnh hưởng. Các công ty đang ngày càng khó khăn trong dự đoán hiệu suất kinh doanh của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục