Cẩm nang chống dịch tại Pháp

22:07' - 28/07/2021
BNEWS Một trong những được biện pháp ưu tiên hàng đầu là chiến dịch tiêm chủng mùa Hè và chứng nhận y tế sẽ được sử dụng như một tấm giấy thông hành để đi lại.

Nửa tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên sóng truyền hình để trực tiếp gửi thông điệp tới toàn thể người dân về nguy cơ làn sóng dịch thứ tư do khả năng siêu lây nhiễm của biến chủng Delta gây ra, cũng như những biện pháp mà nước này sẽ áp dụng để đối phó với làn sóng dịch mới.

Một trong những được biện pháp ưu tiên hàng đầu là chiến dịch tiêm chủng mùa Hè và chứng nhận y tế sẽ được sử dụng như một tấm giấy thông hành để đi lại. Đến nay, tất cả những điều này đã được thực hiện và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Từ ngày 21/7, để đến rạp chiếu phim, vào bảo tàng hoặc lui tới các cơ sở thể thao, người Pháp phải xuất trình chứng nhận sức khỏe cá nhân.

Tờ giấy này có thể là chứng nhận đã tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, hoặc là giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính, hay là giấy chứng nhận đã hồi phục sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Giấy chứng nhận sức khỏe cũng sẽ phải xuất trình khi người dân muốn đến các "địa điểm giải trí và văn hóa" quy tụ hơn 50 người.

Vào đầu tháng 8 tới, Hội đồng Hiến pháp sẽ chính thức quyết định ban hành các quy định về y tế, trong đó tờ giấy chứng nhận sức khỏe này sẽ được áp dụng mở rộng đến các quán cà phê, nhà hàng, hội chợ và triển lãm thương mại, cũng như khi đi máy bay, tàu hỏa hoặc xe bus đường dài.

Kể từ 30/8, các huấn luyện viên ở các trung tâm thể thao, nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế, nhân công làm việc tại các trung tâm mua sắm quy mô lớn đều phải có chứng nhận hoàn thành tiêm chủng nếu muốn tiếp tục làm việc. Ngay cả nhân viên công sở và các ngành liên quan đến môi trường tiếp xúc đông người cũng sẽ phải có chứng nhận sức khỏe. Thiếu nó, đồng nghĩa với việc nghỉ làm.

Cũng theo quy định mới, việc sử dụng giấy chứng nhận giả sẽ bị phạt 135 euro/lần, nếu nhiều hơn 3 lần trong vòng 1 tháng, người vi phạm sẽ phải đối mặt với 6 tháng tù và nộp phạt 3.750 euro.

Quy định mới của Pháp được đánh giá là bao gồm một số biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh nghiêm khắc nhất tại châu Âu. Trước những ý kiến phản đối, cho rằng các biện pháp này ảnh hưởng tới “tự do cá nhân”, Tổng thống Macron khẳng định việc đưa vào sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe và các quy định nghiêm ngặt đều nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng và hạn chế nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ tư do biến chủng Delta gây ra vào thời gian tới, khi người dân đi nghỉ Hè về.

Ông tuyên bố: "không thể vì sự tự do của một số ít người, mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế của toàn xã hội". Còn đa số người dân Pháp thì ủng hộ các chính sách đưa ra, coi việc tiêm chủng là "tấm lá chắn bảo vệ" và giấy chứng nhận sức khỏe là "tấm giấy thông hành" để đảm bảo họ có thể tự do đi lại, sống và làm việc trong môi trường dịch bệnh.

Trên thực tế, chỉ vài tuần sau tuyên bố của Tổng thống Macron, số lượng người đăng ký tiêm chủng tăng mạnh, chiếm đến 86% dân số. Theo Cơ quan Y tế Pháp, đến nay hơn 40,2 triệu người ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều vaccine (chiếm khoảng 60% tổng dân số), và 33,6 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều (chiếm 50% tổng dân số).

Cơ quan này cũng cho biết sẽ phấn đấu vào cuối tháng 8 tới sẽ đạt chỉ tiêu tiêm chủng mũi thứ nhất cho 50 triệu người, trong đó ít nhất 35 triệu sẽ hoàn thành lịch tiêm chủng.

Các chuyên gia y tế Pháp nhận định rằng thành công trong chiến dịch tiêm chủng này có sẽ có tác dụng kiềm chế sự gia tăng dịch bệnh. Với sự lây lan của biến thể Delta, vốn chiếm tới 80% số ca nhiễm mới COVID-19 ở Pháp, hiện mỗi ngày trung bình nước Pháp vẫn có 8.000 đến 10.000 người nhiễm bệnh, nhưng tỷ lệ nhập viện và nguy kịch lại giảm rõ rệt. 

Nghiên cứu các mô hình được Viện Pasteur Paris cập nhật hôm 26/7, các nhà khoa học dự đoán đỉnh điểm của dịch sẽ xảy ra vào tháng 9 và áp lực đối với hệ thống bệnh viện có thể trở nên đáng kể ngay từ tháng 8, nhưng sẽ không hề căng thẳng như trước đây.

Và như vậy, làn sóng dịch thứ tư sẽ vẫn diễn ra song không nghiêm trọng, vì quy mô của nó đã bị hạn chế bởi tác động kép từ việc đẩy mạnh tiêm chủng và hạn chế mức độ lây truyền của biến thể Delta. Với việc áp dụng chứng nhận y tế như một “cẩm nang chống dịch”, Chính phủ Pháp hy vọng có thể ngăn chặn, không để làn sóng dịch mới tàn phá nặng nề đất nước./. 

>>Mỹ khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang dù đã tiêm vaccine ngừa COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục