Cẩm nang kinh doanh với thị trường Benin dành cho doanh nghiệp Việt Nam

10:39' - 27/12/2020
BNEWS Benin được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, Thương vụ Việt Nam tại Algeria vừa giới thiệu cuốn "Cẩm nang kinh doanh với thị trường Benin" đăng trên công thông tin của Bộ Công Thương (https://moit.gov.vn/) hoặc tại đường link : https://onedrive.live.com/.

Cuốn cẩm nang 65 trang này do Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận phụ trách các nước gồm Algeria, Mali, Niger, Senegal, Gambia và CHDC Sahrawi biên soạn với mong muốn giúp ích phần nào các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, cũng như những lưu ý cần thiết để giao dịch thành công tại quốc gia Tây Phi này.

Theo cuốn cẩm nang này, Benin được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng của Việt Nam. Benin có cảng biển Cotonou lớn thứ 5 ở châu Phi, hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ hiện đại nối liền với các thành phố lớn ở Tây Phi, được xem là cửa ngõ để hàng hóa của ta có thể thâm nhập thị trường khu vực rộng lớn với tổng dân số hơn 390 triệu người.

Với tình hình chính trị xã hội khá ổn định, Benin đang đẩy mạnh quá trình mở cửa thị trường và tăng cường hợp tác quốc tế. Thị trường Benin nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng mà Việt Nam sản xuất và có thế mạnh.

Theo Tham tán Hoàng Đức Nhuận, thương mại của Việt Nam và Benin có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu gạo, sản phẩm điện tử, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu thuốc lá, dệt may, da giày... trong khi Benin cần nhập khẩu những mặt hàng này.

Ngược lại, Benin có lợi thế sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng bông, hạt điều, gỗ… sắt thép phế liệu phù hợp với nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam để phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 121 triệu USD (tăng 8,2% so với năm 2018), trong đó Việt Nam xuất khẩu 21,9 triệu USD với các mặt hàng chính là gạo, hàng dệt may, nguyên phụ liệu thuốc lá, phụ tùng xe máy… và nhập khẩu 99 triệu USD chủ yếu gồm hạt điều, bông…

Tham tán Hoàng Đức Nhuận nhấn mạnh bên cạnh tiềm năng hợp tác về thương mại, Chính phủ Benin hiện mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác về đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông sản, y tế, chuyển giao công nghệ,…

Để nắm bắt được các cơ hội nói trên, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong việc tìm hiểu thị trường, nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu người dân, cũng như phải tìm được các đối tác tin cậy./.

>>Xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ hơn 100.000 lượt doanh nghiệp kết nối giao thương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục