Campuchia đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế (Phần 1)

05:00' - 03/07/2020
BNEWS Giai đoạn kinh tế suy giảm hiện nay được xem là cơ hội để Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC – Ngân hàng Trung ương nước này) đẩy mạnh chương trình giúp đồng nội tệ riel "tỏa sáng" trở lại.

Cuối tháng Năm vừa qua, NBC đã ra chỉ thị cho các thể chế tài chính thu hồi đồng USD mệnh giá nhỏ 1 USD, 2 USD và 5 USD trong ba tháng không mất phí quy đổi tính đến ngày 31/8. 

Báo Phnom Penh Post phân tích, động thái này làm thị trường hoang mang vì những người buôn bán nhỏ lẻ và người tiêu dùng nghĩ rằng đồng USD mệnh giá nhỏ không lâu nữa sẽ không được giao dịch hợp pháp. 

Chỉ qua một đêm sau chỉ thị của NBC, rất nhiều người bán lẻ trong đó có cả những người bán đồ ăn trên hè phố đã từ chối nhận tiền USD mệnh giá nhỏ vì lo ngại bị thiệt hại nếu các ngân hàng từ chối nhận tiền gửi bằng tiền mệnh giá này.

Động thái mới nhất của NBC trong chiến lược tăng lưu thông đồng riel trong nền kinh tế đã buộc Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng làm rõ rằng đồng USD mệnh giá nhỏ vẫn được sử dụng một cách hợp pháp.

Theo giới phân tích, thông báo của NBC gây ra hiệu ứng tâm lý đối với nền kinh tế, liên quan đến khả năng đồng USD mệnh giá nhỏ có thể bị từ chối hoặc giảm bớt giá trị trong giao dịch. 

Giáo sư Samreth Sovannroeun liên kết giảng dạy về kinh tế tại Tokyo nhận xét động thái này thậm chí có thể gây tác động bất lợi, đặc biệt đối với những người nghèo và người thu nhập thấp đang giữ đồng USD mệnh giá nhỏ.

Chịu sức ép phải chống đô la hóa nền kinh tế, NBC đang xây dựng những chính sách khác nhau để “cai” nền kinh tế khỏi đồng USD vốn được sử dụng trong suốt 15 năm qua, đồng thời lấy lại vị thế của đồng riel là đồng tiền duy nhất trong giao dịch hàng ngày nhằm tăng vị thế quốc gia. 

Quá trình thực hiện các biện pháp chống đô la hóa nền kinh tế được đẩy mạnh trong những năm gần đây sau bước khởi đầu có phần chậm trễ khi NBC cố gắng áp dụng các chính sách tiền tệ để đối phó với mức độ đô la hóa cao và thiếu sự hợp tác của các bên liên quan.

Cái khó của NBC là không thể áp chính sách tỷ giá vì tỷ giá trên thị trường gắn chặt với các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chính vì vậy, đồng riel chịu chung số phận với đồng USD trong trường hợp xảy ra các cú sốc kinh tế, bao gồm cả khủng hoảng tài chính. 

Một ví dụ rõ nét là tình trạng rất dễ bị tổn thương của lĩnh vực thương mại Campuchia do đô la hóa. Việc Mỹ nâng lãi suất có thể giúp đồng USD tăng giá trị, song lại làm giảm cân bằng thương mại của Campuchia với các đối tác chính. Vì thế, thúc đẩy tiến trình chống đô la hóa sẽ giúp giảm bớt sự tổn thương này.

Đối mặt với những thách thức trên, NBC đã yêu cầu các thể chế tài chính thực hiện ít nhất 10% trong danh mục cho vay bằng đồng riel, thanh toán và nộp thuế bằng đồng riel, đồng thời kêu gọi phát triển các ứng dụng thanh toán giúp thúc đẩy giao dịch bằng đồng riel. 

Bên cạnh đó, NBC cũng áp dụng cơ chế thanh khoản cho hoạt động thế chấp (LPCO) để cung ứng thêm đồng riel cho hệ thống ngân hàng.

Thời điểm hợp lý để chống đô la hóa nền kinh tế

Trớ trêu thay, tăng trưởng kinh tế Campuchia giảm do tác động của đại dịch COVID-19 trong năm nay lại tạo cơ hội cho NBC kiểm soát được tình hình và triển khai chính sách chống đô la hóa. 

Theo chuyên gia kinh tế Chheng Kimlong, Giám đốc Trung tâm Đổi mới điều hành và Dân chủ thuộc Viện Tầm nhìn châu Á, chống đô la hóa từng bước đang được tiến hành và hiện tại là thời điểm tốt để từ từ chống đô la hóa nền kinh tế trong bối cảnh hoạt động thương mại giảm.

Ít giao dịch đồng nghĩa với việc các chính sách có thể dễ dàng áp dụng hơn.

Dự báo mới nhất cho rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia sẽ ở mức âm 1,9% năm 2020, tương tự như các dự báo ảm đạm trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). 

Theo người phát ngôn Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Meas Soksensan, Chính phủ Campuchia dự kiến kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 3,5% năm 2021.

Kinh tế Campuchia đang trong cảnh nguồn thu giảm sút từ các trụ cột tăng trưởng gồm ngành may mặc và giày dép (đóng góp 1/5 GDP năm 2019) và ngành du lịch (đóng góp 18,7% GDP năm 2019). 

Khoảng 190-260 nhà máy sản xuất hàng may mặc của Campuchia phải đóng cửa do phương Tây ngừng hoặc hủy đơn đặt hàng, khiến khoảng 200.000 công nhân tạm thời mất việc. 

Thêm vào đó, khoảng một chục nghìn lao động trong ngành du lịch và dịch vụ liên quan cũng phải nghỉ việc hoặc bị giảm lương.

Chính phủ Campuchia đang tiến hành phân bổ khoản ngân sách 60-100 triệu USD để hỗ trợ công nhân trong gói cứu trợ 125 triệu USD dành cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trong mùa dịch COVID-19. Khoản tiền này được phân bổ bằng đồng riel.

Trong lúc này, xuất khẩu của Campuchia dự kiến cũng sụt giảm. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia tăng lên 25,2 tỷ USD, đóng góp 7,8% vào GDP. 

Theo nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-Viện Yusof Ishak ở Singapore, Jayant Menon, hầu như tất cả các nền kinh tế mở và nhỏ đều đối mặt với nguồn thu từ xuất khẩu sụt giảm và Campuchia cũng không phải ngoại lệ.

Ông Menon tin rằng sự sa sút của các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch có thể gây tác động cấp số nhân lên các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế với khả năng thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ trầm trọng hơn. 

Trong bối cảnh này, một nền kinh tế nhận được sự tiếp sức của đồng nội tệ sẽ giúp giảm các tác động tiêu cực. Tuy nhiên, vì kinh tế Campuchia bị đô la hóa mạnh,  nên nguồn cung tiền sẽ không tránh khỏi bị giảm. Vào thời điểm này, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.

Mặc dù có những ý kiến đối lập cho rằng việc chống đô la hóa sẽ ảnh hưởng tới lĩnh vực thương mại vì hơn 90% giao dịch thương mại được thực hiện bằng ngoại tệ, trong đó có đồng USD, song ông Kimlong cho rằng Chính phủ Campuchia từ lâu nay khá thận trọng khi thực hiện các chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô, tạo cơ sở ổn định tỷ giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục