Cân bằng giữa tiềm năng kinh tế biển và phát triển bền vững

05:30' - 01/09/2024
BNEWS Kinh tế biển là cụm từ nổi bật trong các cuộc thảo luận về phát triển bền vững, đặc biệt ở Malaysia, nơi môi trường biển đóng vai trò kinh tế quan trọng.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Izyan Munirah Mohd Zaideen thuộc Đại học Malaysia Terengganu nhận định, hiệu quả của cách tiếp cận này và việc triển khai thực tế tại Malaysia cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Tiến sỹ Izyan Munirah Mohd Zaideen lưu ý, vẫn có những thách thức và khoảng cách trong khuôn khổ chính sách và quản trị hiện tại liên quan tới vấn đề này.

Trước khi thuật ngữ “kinh tế biển” được phổ biến, các đại dương trên thế giới đã phải đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Đánh bắt quá mức, ô nhiễm và phá hủy môi trường sống tác động đáng kể đến các hệ sinh thái biển. Theo Liên Hợp quốc (LHQ), khoảng 90% trữ lượng cá toàn cầu đang bị khai thác hoàn toàn hoặc quá mức. Đây cũng là một xu hướng ở Malaysia.

Hơn nữa, quốc gia Đông Nam Á này thải ra hơn 1 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và phần lớn trong số đó là vào đại dương. Quỹ Ellen MacArthur cảnh báo rằng, đến năm 2050, đại dương có thể chứa nhiều nhựa hơn cá, tính theo trọng lượng, nếu các hoạt động hiện tại vẫn tiếp diễn. Ngoài ra, các rạn san hô, vốn nuôi dưỡng 1/4 các loài sinh vật biển, đã bị mất mát đáng kể, với khoảng 14% các rạn san hô toàn cầu biến mất từ năm 2009 – 2018, do nhiệt độ nước biển tăng và ô nhiễm.

Tiến sỹ Izyan Munirah Mohd Zaideen nhấn mạnh rằng, kinh tế biển phải hướng đến mục tiêu cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường bằng cách tập trung vào các ngành như đánh bắt cá bền vững, nuôi trồng thủy sản, năng lượng biển tái tạo và du lịch biển. Điều này đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đề cập đến trong vấn đề nuôi trồng thủy sản bền vững, đáp ứng nhu cầu về hải sản và giảm bớt áp lực lên trữ lượng cá hoang dã.

Năng lượng tái tạo trên biển như năng lượng gió ngoài khơi và thủy triều mang đến cơ hội giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, nếu không được quản lý cẩn thận, việc mở rộng các ngành công nghiệp này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về môi trường, dẫn đến ô nhiễm gia tăng, phá hủy môi trường sống và khai thác tài nguyên quá mức chỉ vì lợi ích kinh tế.

* Quản trị khả thi kinh tế biển

Tiến sỹ Izyan Munirah Mohd Zaideen cho biết, tại Malaysia, quản trị khả thi để định hình kinh tế biển có thể được tìm thấy trong một số luật, chính sách và kế hoạch hành động hiện hành, như Đạo luật nghề cá năm 1985 (Đạo luật 317), Đạo luật chất lượng môi trường năm 1974 (Đạo luật 127), Đạo luật cơ quan thực thi pháp luật hàng hải năm 2004 (Đạo luật 633), Đạo luật vùng đặc quyền kinh tế năm 1984 (Đạo luật 311), Đạo luật thềm lục địa năm 1966 (Đạo luật 83), Sắc lệnh vận tải biển thương mại năm 1952, Quy hoạch vùng ven biển quốc gia (NCZPP) năm 2012, Chính sách quốc gia về đa dạng sinh học 2016-2025 và Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải biển (2021-2030).

Tuy nhiên, các quy định và điều luật hiện phải đối mặt với một số lỗ hổng đáng chú ý, như thách thức thực thi với việc áp dụng luật không nhất quán, làm cản trở việc quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên biển. Các vấn đề phối hợp cũng phát sinh từ sự chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan, như Bộ Thủy sản và Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), dẫn đến sự nhầm lẫn và kém hiệu quả trong việc thực hiện chính sách.

Việc thực hiện rời rạc các chính sách hiện hành, gồm Kế hoạch Hành động Quốc gia về rác thải biển và quy hoạch vùng ven biển quốc gia, càng làm trầm trọng thêm những thách thức này và nhấn mạnh nhu cầu về các phương pháp tiếp cận tích hợp và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, việc thiếu một khuôn khổ chính sách kinh tế biển toàn diện dẫn đến các phương pháp tiếp cận rời rạc giữa các ngành, gây khó khăn cho việc phối hợp các nỗ lực và thu hút đầu tư. Cuối cùng, nguồn lực và năng lực hạn chế cũng ảnh hưởng đến việc thực thi và quản lý các khu bảo tồn biển (MPA). Ví dụ, MPA chỉ bao phủ khoảng 5,56% lãnh thổ biển của Malaysia, không đạt mục tiêu 10% vào năm 2025 theo Công ước về Đa dạng sinh học. Các luật hiện hành cũng thường không đủ khả năng giải quyết các thách thức mới nổi như khai thác mỏ biển sâu, ô nhiễm nhựa biển và tác động của biến đổi khí hậu.

Những thách thức khác đối với kinh tế biển của Malaysia bao gồm đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) ước tính rằng đánh bắt IUU gây thiệt hại cho Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia, từ 6-10 tỷ USD hàng năm, đe dọa đến trữ lượng cá và sinh kế của người dân địa phương.

Ô nhiễm biển từ phát triển ven biển và các hoạt động trên đất liền tác động đáng kể đến hệ sinh thái biển, với hơn 70% các con sông của Malaysia bị ô nhiễm, góp phần gây ô nhiễm vùng nước ven biển. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình hình khi Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu Malaysia dự báo mực nước biển dâng từ 0,5 – 1m vào năm 2100, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các khu vực ven biển và ngành công nghiệp biển.

* Giải quyết các thách thức

Theo Tiến sỹ Izyan Munirah Mohd Zaideen, để giải quyết những thách thức này, Malaysia cần xem xét một số khuyến nghị về chính sách. Trong đó, việc xây dựng một khuôn khổ chính sách kinh tế biển toàn diện tích hợp tất cả các khía cạnh của quản lý tài nguyên biển là điều cần thiết. Chính sách này phải phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG), đặc biệt là SDG 14 (Cuộc sống dưới nước).

Đồng thời, việc tăng cường phối hợp liên ngành bằng cách thành lập một cơ quan giám sát trung ương có thể giúp hợp lý hóa các nỗ lực và cải thiện sự hợp tác giữa các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương.

Ngoài ra, việc mở rộng và củng cố các MPA để đạt được mục tiêu 10%, đảm bảo quản lý và thực thi hiệu quả là rất quan trọng. Quan trọng nhất là tăng cường thực hiện luật hiện hành như Đạo luật Nghề cá năm 1985 và Đạo luật Chất lượng Môi trường năm 1974.

Trong khi kinh tế biển thể hiện một cách tiếp cận đầy hứa hẹn đối với phát triển bền vững, Malaysia phải giải quyết các thách thức đáng kể về quản trị, các lỗ hổng chính sách và các mối đe dọa mới nổi để đảm bảo thành công. Bằng cách xây dựng một khuôn khổ chính sách toàn diện, cải thiện sự phối hợp và tăng cường thực thi, quốc gia Đông Nam Á này có thể tận dụng kinh tế biển để đạt được cả mục tiêu về môi trường và kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục