Cần chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm về an toàn lao động

11:38' - 20/05/2025
BNEWS Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang liên tiếp xảy ra 2 vụ việc liên quan đến khai thác đá. Dư luận đang chờ đợi câu trả lời ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Đến nay, người dân tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 7/5 tại mỏ đá của Hợp tác xã khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng Bình Ca, thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn. Vụ việc đau lòng khiến một công nhân đang thực hiện khoan đục trên vỉa đá tử vong tại chỗ do bị đá lăn trúng.

Chưa đầy một tuần sau, ngày 13/5, mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Sơn Tuyên Quang, tại tổ 10, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang lại bất ngờ đổ sập. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người, song hàng nghìn m3 đất đá đã vùi lấp nhiều máy móc, phương tiện phục vụ quá trình khai thác.

Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang liên tiếp xảy ra 2 vụ việc liên quan đến khai thác đá. Qua tìm hiểu, mỏ đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Sơn Tuyên Quang khai thác không được bạt mái, cắt tầng theo quy định. Góc nghiêng của mỏ gần 90 độ, đất đá rơi thẳng xuống chân núi mỗi khi nổ mìn, gây nguy hiểm cho công nhân và người lao động.

Trong hơn 10 năm hoạt động, mỏ đá này liên tục xảy ra các vụ tai nạn chết người. Đơn cử như năm 2018, hai học sinh tử vong do đuối nước tại moong sâu không được rào chắn. Đầu năm 2024, một công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Sơn Tuyên Quang đã tử vong trong quá trình khai thác do đá văng vào người.

 

Theo đại diện UBND thành phố Tuyên Quang, cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Sơn Tuyên Quang dừng hoạt động tại khu vực bị sập và xây dựng các phương án khắc phục hậu quả; đồng thời, rà soát toàn bộ hiện trường theo chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành như hồ sơ thiết kế, quy trình khai thác mỏ; cắt tầng, nổ mìn... nhằm xác minh, làm rõ các vi phạm.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khai thác khoáng sản chủ động rà soát và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.

Hiện nay, cả 2 vụ việc xảy ra gần đây đang được các cơ quan chức năng xác minh về quy trình khai thác cũng như các phương án đảm bảo an toàn lao động tại mỏ để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm và đặt ra câu hỏi lúc này là phải chăng cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản liệu có phớt lờ chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Bởi trước đó thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ tại văn bản số 907/BNV-CVL ngày 2/4/2025 và Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới, ngày 30/4/2025, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã ký ban hành văn bản số 1980/UBND-NC yêu cầu các cấp, các ngành và doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp với tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.

Theo văn bản này, người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 theo chỉ đạo tại Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 16/1/2025 của UBND tỉnh. Đồng thời, các đơn vị, địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ như xây dựng, khai khoáng, cơ khí, luyện kim, sản xuất xi măng, hóa chất… Kiểm tra làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo công tác thống kê, báo cáo được thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, yêu cầu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định nội bộ về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Các đơn vị xây dựng phương án làm việc an toàn, kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; đồng thời tổ chức huấn luyện định kỳ cho người lao động, quản lý việc sử dụng máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và thực hiện chăm sóc sức khỏe người lao động.

Sở Nội vụ là cơ quan thường trực, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện tại các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn, tháo gỡ...

Không dừng lại ở đó, đến ngày 16/5/2025, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản số 2266/ UBND-KT chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và an toàn lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản. Nội dung kiểm tra bao gồm: việc tuân thủ các đề án, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác, đặc biệt là công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác.

Theo văn bản số 1980/UBND-NC, tinh thần “5 rõ” đã quá rõ ràng, với đặc thù là địa phương có đa dạng về tài nguyên khoáng sản, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, dư luận đang chờ đợi câu trả lời ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hơn lúc nào hết khi mùa mưa lũ tới gần và nguy cơ tai nạn lao động vẫn đang hiện hữu, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm của các sở, ban, ngành, địa phương càng phải coi trọng, đặc biệt cần có chế tài đủ mạnh đối với doanh nghiệp cố tình phớt lờ và không tuân thủ quy định của pháp luật về vấn đề an toàn lao động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục