Cần có quy chuẩn cụ thể trong xây dựng đô thị thông minh

08:41' - 17/07/2018
BNEWS Mặc dù Việt Nam có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh nhưng đến nay vẫn chưa có một mô hình mẫu hay một quy chuẩn chung về thành phố thông minh.
Năm 2018 sẽ là năm bản lề để Tp. Hồ Chí Minh triển khai Đề án “Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành Thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nhiều quốc gia trên thế giới đang xây dựng đô thị thông minh dựa trên công nghệ thông tin, viễn thông và nhiều yếu tố khác. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một mô hình mẫu hay một quy chuẩn chung về thành phố thông minh. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng thành phố thông minh để thu hút ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là các mô hình, giải pháp, cách thức tổ chức xây dựng thành phố thông minh phù hợp với Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế

Một thành phố thông minh cần hội tụ 3 yếu tố gồm hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Singapore - trung tâm tài chính Đông Nam Á được cho là thành phố thông minh hàng đầu thế giới.

Chương trình xây dựng thành phố thông minh (smart nation) theo quy hoạch được Singapore đưa ra năm 2014 đã đảm bảo vùng đất này trở thành quốc đảo đáng sống, phát triển bền vững.

Chia sẻ về việc xây dựng thành phố thông minh, ông Larry Ng Lye Hock - Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế đô thị, Cục Tái thiết Phát triển Đô thị, Bộ Phát triển quốc gia Singapore cho biết: Khi tái thiết, Singapore bắt đầu tập trung vào phát triển bằng 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

Nhà cửa Singapore từ năm 1960 trong hình dáng nông thôn dần được thay thế bằng khoảng 2.600 khu nhà dân dụng, với nhiều hình thức khác nhau như biệt thự, nhà liền kề, chung cư, nhà vườn, nhà bán hàng...

Trước đây, Singapore phải tách nước biển thành nước ngọt, nay Singapore đã có thể hứng được 2/3 lượng nước mưa, sau đó đưa vào hồ chứa để xử lý. Nước ngọt không chỉ đủ dùng mà đã còn được xuất sang Malaysia. Singapore thực hiện những việc này bằng các giải pháp công nghệ thông tin, như gắn chip, các thiết bị cảm biến, kết nối internet vạn vật…

Thủ đô cổ kính Barcelona (Tây Ban Nha) cũng là một trong những thành phố thông minh trên thế giới. Thành phố có khoảng 500 km cáp quang làm hạ tầng viễn thông bền vững cho mọi hoạt động kết nối của thành phố.

Có khoảng 700 điểm cấp wifi miễn phí với khoảng cách 100m/điểm. Thành phố sử dụng hệ thống đèn Led không dây tiết kiệm năng lượng, các cột đèn đều được trang bị bộ phận cảm biến để tự động tắt/bật chiếu sáng.

Nhờ hệ thống này, nơi đây tiết kiệm được 2/3 lượng tiêu thụ điện cho chiếu sáng đô thị. Ngoài ra các giải pháp thông minh cho giao thông như bãi đậu xe thông minh, kết nối với điện thoại tạo sự tiện dụng cho người dân…

New York (Hoa Kỳ) – cái nôi của làng công nghệ thế giới cũng là thành phố thông minh thuộc top đầu thế giới. Dự kiến đến năm 2025, New York sẽ cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng quy mô lớn nhất, tốc độ nhanh nhất thế giới.

Khu thử nghiệm công nghệ vi mô được xây dựng trong lòng thành phố để lãnh đạo thành phố theo dõi thông tin về chất lượng không khí, tình trạng giao thông, tiêu thụ năng lượng, mức độ chất thải… Hệ thống giao thông được trang bị máy quay cảm biến nhằm hỗ trợ người dân tham gia giao thông.

An ninh trật tự được đảm bảo với việc xây dựng hệ thống theo dõi âm thanh phát ra từ súng đạn nhằm góp phần tăng thêm sự an toàn cho công dân của thành phố.

Xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch khi xây dựng thành phố thông minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel để xây dựng Thành phố thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ: Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm xây dựng đô thị thông minh để đưa kinh tế, xã hội phát triển.

Tức là xây dựng đô thị thông minh, để có giải pháp thông minh cho thành phố phát triển đúng hướng, có tầm nhìn lâu dài, chiến lược, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Hiện nay, xây dựng thành phố thông minh còn nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế về tài chính và nhân lực.

Trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam còn nhiều đô thị mà hạ tầng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc đầu tư để các đô thị nhỏ trở thành đô thị thông minh mà không lãng phí còn nhiều khó khăn...

Tại Việt Nam, cũng đã có nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm kết nối internet có thể ứng dụng trong việc phát triển thành phố thông minh.

Trong đó có thể kể đến giải pháp nhà thông minh của Tập đoàn BKAV, bóng đèn cảm biến của Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang, ứng dụng thu phí đỗ xe thông minh của Tập đoàn Viettel, hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống quản lý bãi xe thông minh của Công ty VNG...

Tuy nhiên, để phát triển thành phố thông minh, cần nhiều hơn nữa sự hợp tác giữa các đơn vị cung cấp sản phẩm với các đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: Cần phải đưa công nghệ internet kết nối vạn vật vào các sản phẩm; phải có nhiều sản phẩm mới hơn nữa để chiếm hữu thị trường sản phẩm công nghệ 4.0 phục vụ xây dựng thành phố thông minh.

Với mục tiêu sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh vào năm 2020, Chính phủ đã có nhiều quyết sách ưu tiên phát triển công nghiệp số, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, hạ tầng công nghệ viễn thông.

Theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu danh sách 193 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức giá cước dịch vụ viễn thông rẻ nhất.

Đây là một nền tảng cơ bản để phát triển thành phố thông minh bởi việc xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi có hệ thống đồng bộ, kết nối quản trị đô thị theo từng lĩnh vực trên nền tảng công nghệ và internet.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Tiến sỹ Nguyễn Việt Hải nhấn mạnh tiêu chuẩn, kiến trúc của hạ tầng thông tin quốc gia để xây dựng thành phố phông minh. Việc đồng bộ ngay từ đầu sẽ tốt hơn nhiều so với việc chắp vá.

Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực nghiên cứu, khai thác và phát triển các sản phẩm, dịch vụ của đô thị thông minh.

Bộ Xây dựng đã đề xuất xây dựng Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Ngoài sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ internet kết nối vạn vật, công nghệ 4.0… thì Việt Nam còn cần tham khảo kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh ở các quốc gia khác như Đan Mạch, Singapore, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Hoa Kỳ, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Australia... để có quy chuẩn phù hợp với tình hình thực tế đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục