Cân nhắc thời gian phù hợp ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

15:13' - 12/06/2024
BNEWS Không ít doanh nghiệp cũng như các đại biểu Quốc hội đề xuất ý kiến lùi thời gian ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024. Theo đó, Quốc hội đã đồng thuận với sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu đang đối diện với nhiều thách thức, đã có không ít doanh nghiệp cũng như các đại biểu Quốc hội đề xuất ý kiến lùi thời gian ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp. Qua đó, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và sức khoẻ tổng quan cho nền kinh tế. 

Qua phản ánh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi tổng hợp ý kiến từ số đông cộng đồng doanh nghiệp thành viên cho thấy, sự quan tâm rất lớn của họ đối với định hướng về chính sách thuế mà Nhà nước đang và sắp triển khai trong thời gian tới; cũng như những tác động của các chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực thuế quá lớn đến từ ba luật thuế quan trọng với doanh nghiệp, bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cộng dồn lại có thể buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI đồng tình với đề xuất lùi thời gian sửa đổi luật thuế này và cho rằng quyết định đó là phù hợp vì doanh nghiệp đang rất khó khăn, họ cần thời gian để phục hồi, cơ cấu lại sản xuất và tìm thị trường.

“Sửa đổi cũng tốt, thế nhưng thời điểm phù hợp lại quan trọng hơn. Việc cần làm nhất hiện nay là giảm thủ tục và tăng hỗ trợ doanh nghiệp hơn là áp dụng các quy định mới", Phó Chủ tịch Thường trực VCCI cho hay.

Theo ông Phòng, Nhà nước tập trung “nâng cao sức khoẻ cho doanh nghiệp”, khi nền kinh tế ổn định mới nên tính đến việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Là người đồng hành trực tiếp với rất nhiều doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vài năm đang chậm lại, thậm chí tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng đi xuống. Điều này tác động đến giá trị, doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Đó còn là chỉ báo không mấy tích cực khi cả những doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn. 

Điều đáng nói, xu hướng rút khỏi thị trường của doanh nghiệp nhanh hơn tốc độ gia nhập. Tức là, số doanh nghiệp đóng cửa hiện nay không còn được hiểu là theo quy luật thị trường tức là đào thải tự nhiên, mà đang thể hiện việc họ không nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Vì thế, bà Thảo ủng hộ đề xuất lùi thời gian sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện các chương trình của Chính phủ đều hướng đến việc giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lại sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng và tăng thuế. Điều này không hợp lý và đi ngược với các chủ trương hiện nay. Dù việc sửa đổi này là theo lộ trình, tuy nhiên, cần xem xét đến từng bối cảnh về tính phù hợp. Việc này để không xảy ra tình trạng khi ban hành chính sách rồi lại phải gỡ vướng….

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cũng đang tạo nên nhiều tranh luận ngay tại nghị trường Quốc hội. Nhiều ý kiến đưa ra quan điểm cần tập trung nghiên cứu phương pháp tính thuế, đối tượng áp dụng, mức thuế suất và lộ trình thực hiện.

Một số đại biểu Quốc hội nêu lên tình hình kinh tế khó khăn do sự suy giảm của các ngành công nghiệp chủ lực, tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu và những tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu. Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về môi trường đầu tư kinh doanh đang suy giảm và sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đề xuất về thuế từ các đại biểu bao gồm việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng và lùi thời gian xây dựng ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian ổn định và phát triển. Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ xem xét kỹ lưỡng khung thời gian thực hiện các chính sách thuế mới để đảm bảo sự phù hợp với các ưu tiên của Quốc hội và Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế.

Mục tiêu ưu tiên là giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, tạo việc làm và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bằng cách đó, các doanh nghiệp có thể lấy lại sự ổn định và đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước. Có một số đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét một khung thời gian phù hợp cho việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, cân nhắc không ban hành Luật trước năm 2027.

Việc trì hoãn này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp thời gian cần thiết để cải thiện hoạt động kinh doanh, thích ứng với các chính sách mới và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. 

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp cần một môi trường thuế ổn định và có thể dự đoán để có thể lập kế hoạch hoạt động kinh doanh và thực hiện các chiến lược phục hồi sản xuất một cách hiệu quả và bền vững.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục