Cần nhiều chính sách đảm bảo bền vững sinh kế cho nhóm lao động yếu thế ​

21:06' - 31/07/2017
BNEWS "Hiện nay lao động yếu thế ở khu vực nông thôn đang ngày càng gia tăng. Không có việc làm, không có trình độ, không có vốn… khiến cuộc sống rơi vào nghèo đói và túng quẫn.
Người khuyết tật học nghề tin học. Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Chiều 31/7, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức hội thảo khoa học “Kiến nghị chính sách giải pháp về đảm bảo sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế ở Việt Nam trong giai đoạn 2015-2030 và những năm tiếp theo” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế ở Việt Nam”, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu rõ, lao động yếu thế ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng lực lượng lao động xã hội.

Đó là nhóm lao động ở vị thế yếu trong tạo lập, tìm kiếm và duy trì việc làm trên thị trường lao động, cuộc sống của họ trở nên bấp bênh và nghèo đói.

Vì thế, cần có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo sinh kế bền vững cho họ.

Thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, đến cuối năm 2016, lao động yếu thế khoảng 13 triệu người gồm 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 1 triệu lao động di cư, 180.000 lao động nhiễm HIV, 190.000 lao động nghiện ma túy, mại dâm… 80% lao động yếu thế tập trung ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn thấp với 21,81% lao động chưa biết chữ, phần lớn chưa qua đào tạo nghề, trên 40,1% chưa bao giờ đi làm.

"Hiện nay lao động yếu thế ở khu vực nông thôn đang ngày càng gia tăng. Không có việc làm, không có trình độ, không có vốn… khiến cuộc sống rơi vào nghèo đói và túng quẫn.

Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ vốn vay từ Nhà nước nhưng khi họ tạo ra sản phẩm thì lại không có đầu ra và vòng luẩn quẩn nợ nần, thất nghiệp, nghèo đói cứ xoay vòng từ năm này qua năm khác”, anh Võ Văn Tấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

"Ở đối tượng người di cư, chính sách hộ khẩu đang là rào cản đối với nhóm lao động yếu thế này.

Không thể coi lao động di cư là công dân loại 2, thậm chí là loại 3, không nên sử dụng hộ khẩu như một công cụ nhằm phân biệt người di cư với người địa phương, làm cản trở sự tiếp cận đối với việc làm cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản”, thạc sĩ Vũ Văn Hiệu, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh.

Thạc sĩ Lê Thị Nhung, giảng viên Trường Đại học Lao động – Xã hội lại quan tâm đến lao động yếu thế là người khuyết tật.

Tỉ lệ thất nghiệp ở lao động khuyết tật hiện ở mức cao, khả năng tìm được việc làm rất khó khăn do những rào cản về trình độ, sức khỏe, kỹ năng và cả sự phân biệt đối xử của cộng đồng.

Còn Thạc sĩ Trần Ái Mỹ, nguyên giảng viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh lại quan tâm đến đối tượng lao động tái hòa nhập cộng đồng bởi sinh kế bền vững sẽ giúp họ không quay trở lại con đường lầm lỗi trước đây.

Từ thực tế trên, các đại biểu đã đề xuất giải pháp, chính sách bảo đảm sinh kế bền vững cho nhóm lao động yếu thế ở Việt Nam giai đoạn hiện nay cần theo định hướng như việc ban hành và thực thi các chính sách với lao động yếu thế phải đặt trong hoàn cảnh “dễ bị tổn thương” và luôn hướng về người nghèo.

Bên cạnh đó, cần tìm ra một sự cân bằng tối ưu cho sinh kế bền vững như sinh kế phải có khả năng phục hồi từ các biến cố, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài, duy trì được năng suất trong thời gian dài, không làm phương hại đến các sinh kế khác.

Ngoài ra, chính sách cũng cần chú trọng những nội dung, biện pháp hỗ trợ, bảo trợ khác nhau đối với từng đối tượng lao động yếu thế trong xã hội để họ có được sinh kế bền vững./.

Xem thêm:

>>>Hỗ trợ chuyển đổi xe ba bánh sang phương tiện vận tải khác

>>>Từ 1/6, người khuyết tật sẽ được thi lấy bằng lái xe ô tô B1

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục