Cần tách bạch kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt

18:29' - 14/11/2016
BNEWS Chiều 14/11, báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nào để đường sắt phát triển?”
Dự thảo sửa đổi Luật Đường sắt Việt Nam đang trình quôc hội trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Ảnh: Huy Hùng–TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Luật Đường sắt đã được ban hành năm 2005, là khung pháp lý quan trọng cho lĩnh vực đường sắt phát triển. Thời gian qua, giao thông đường sắt cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển đất nước.

“Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, Luật Đường sắt 2005 đã bộc lộ những bất cập nhất định. Chẳng hạn như quy định về tách đường sắt làm 3 khối, trong đó tách khối điều hành riêng như một đơn vị sự nghiệp;

Hay như việc xây dựng mô hình theo Luật Đường sắt năm 2005 cũng chưa được thực hiện kịp thời mà phải năm 2013 mới có tái cơ cấu đường sắt, trong đó có xã hội hoá đầu tư”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, việc Quốc hội cho sửa đổi Luật Đường sắt để giúp đường sắt phát triển, không phải là để ngay ngày mai đầu tư ào ào vào đường sắt. Đây là một quá trình lâu dài, việc đầu tư đường sắt cần đẩy mạnh để theo kịp nhu cầu, khai thác tốt cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, để phát triển ngành đường sắt, với những sửa đổi luật hiện nay thì tương lai, không chỉ có mỗi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được quyền khai thác kế cấu hạ tầng đường sắt mà có thể cho phép nhiều doanh nghiệp khác cùng khai thác.

Đến khi đó, nếu Tổng công ty Đường sắt không chủ động cơ cấu lại, không tăng cường quản lý, hạ giá thành sản phẩm thì sẽ có thể mất thị phần, bị doanh nghiệp khác chiếm lĩnh thị trường. Khi đó, sẽ có một thị trường bình đẳng.

Ví dụ như cùng một tuyến đường sắt, ai trả cao hơn thì Nhà nước cho thuê; Nhà nước tăng thu phí, doanh nghiệp cạnh tranh hạ giá thành thì người dân được hưởng lợi; Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, người lao động được tăng thu nhập. Việc này mang lại lợi ích cho cả 3 bên: doanh nghiệp, người dân và người lao động.

Thảo luận về vấn đề cần thiết tách bạch kết cấu hạ tầng và vận tải đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Luật Đường sắt năm 2005 đã đề cập đến việc tách bạch quản lý hạ tầng với vận tải và đến năm 2013 chúng ta đã có đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Việc tách quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải sẽ tập trung theo hướng: Việc quản lý kết cấu hạ tầng sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, vừa quản lý hạ tầng, bảo trì, vừa lập biều đồ, điều độ chạy tàu… Còn việc kinh doanh vận tải sẽ do các doanh nghiệp khác thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, “Tổng công ty hoàn toàn tán thành chủ trương xã hội hoá đường sắt.

Vấn đề ở đây là xã hội hóa để thu hút nguồn lực, nhưng chúng ta đều nhận thấy rằng việc thu hút nguồn vốn tư nhân vào phần hạ tầng cơ bản để chạy tàu rất khó khăn. Nếu có thì phải có 'vốn mồi' của Nhà nước với tỷ lệ khá cao. Nếu ở đường bộ, “vốn mồi” là 40%, thì đường sắt phải khoảng 70-80%".

“Phải thay đổi mô hình tổ chức quản lý để vận hành tốt hơn thông qua nguồn vốn xã hội hoá, theo tôi đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề là xã hội hoá cái gì, khu vực Nhà nước chịu trách nhiệm gì, khu vực tư nhân làm gì?”, ông Nguyễn Văn Doanh phân tích.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh của ngành đường sắt hiện nay, ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam băn khoăn: “Những năm 1990-1999 là thời kỳ vàng son nhất của ngành đường sắt, khi được sự quan tâm, đầu tư lớn của Chính phủ.

Từ thời điểm đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rất muốn làm đường sắt đôi, nhưng nguồn lực khi đó có hạn nên phải san sẻ cho đường bộ. Việc tái cơ cấu đường sắt là hết sức cần thiết, nhưng nếu không hiểu rõ, không thực hiện đúng thì có thể lạc hậu hơn cái cũ”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lã Ngọc Khuê bình luận: “Tôi băn khoăn về Khoản 2 Điều 54 của dự thảo Luật Đường sắt. Doanh nghiệp được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư không được kinh doanh vận tải.

Như vậy, tách kinh doanh với hạ tầng, một tổng công ty chỉ làm vận tải còn tổng công ty khác lại chỉ kinh doanh hạ tầng, như thế rất lãng phí, đường sắt sẽ suốt ngày phân chia, giá cả như thế nào. Tách ra như thế nào, sau này khi đường sắt phát triển, nếu có một bên đầu tư vào để vừa làm hạ tầng vừa kinh doanh thì sẽ ra sao?"

Kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng phải có những thay đổi để đường sắt không bị tụt hậu. Luật Đường sắt không phải là đột phá nhưng nó phải có sự đổi mới để đường sắt phát triển trong thời gian tới.

“Việc quan trọng nhất mà chúng ta đã và đang tiếp tục phải làm là phải thay đổi quản trị doanh nghiệp. Còn lộ trình, phải làm sao để hướng tới sự minh bạch và thị trường.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu tối đa các ý kiến tại buổi tọa đàm hôm nay, kể cả các ý kiến trái chiều để bổ sung, sửa đổi vào Luật”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kết luận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục