Đề xuất điều chuyển vốn các dự án ODA chậm giải ngân

16:48' - 21/10/2016
BNEWS Nhiều ý kiến từ các Bộ, ngành đề xuất nên điều chuyển vốn ODA từ những dự án giải ngân chậm cho những dự án giải ngân nhanh, nhất là dự án đang cần vốn mà gần hết thời gian hiệp định vay.
Đường vành đai 3 Thành phố Hà Nội, một trong những dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Trước việc mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 9 tháng năm 2016 không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, nhiều ý kiến từ các Bộ, ngành đề xuất nên điều chuyển vốn từ những dự án giải ngân chậm cho những dự án giải ngân nhanh, nhất là dự án đang cần vốn mà gần hết thời gian hiệp định vay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương cho biết, trong khi một số bộ, ngành, địa phương giải ngân tương đối cao thì còn nhiều đơn vị giải ngân rất thấp như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh: Quảng Ninh, Hưng Yên, Tây Ninh, Bình Định…

Đứng đầu các Bộ, ngành giải ngân chậm là Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức giải ngân 9 tháng chỉ đạt 18,6% so với kế hoạch. Tiếp đến là Bộ Y tế, mức giải ngân 9 tháng ước đạt khoảng 40% kế hoạch.

Bên cạnh một số Bộ, ngành có mức giải ngân chậm thì một số địa phương lại có mức giải ngân rất tốt, đến hết tháng 7/2016 đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch vốn nước ngoài được giao như Cần Thơ (94,6%), Hà Nội (83,5%), TP.Hồ Chí Minh (110,5%).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tình trạng trên là do từ năm 2016, các bộ, ngành, địa phương không được phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và cam kết trong hiệp định như trước đây.

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Quốc hội, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán; các bộ, ngành, địa phương chỉ được thực hiện và giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết thêm, bên cạnh những dự án đang cần vốn mà gần hết thời gian hiệp định vay, hiện nay, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 cho một số bộ, ngành, địa phương cũng rất cao với hơn 28 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 của Hà Nội khoảng 4.000 tỷ đồng, của Tp.Hồ Chí Minh 2.743 tỷ đồng, Phú Thọ 488 tỷ đồng, Tp. Hải Phòng gần 1.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải 11.722 tỷ đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.800 tỷ đồng…

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 8056/BKHĐT-TH trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, với mức đề xuất bổ sung hơn 6.320 tỷ đồng cho các dự án đúng đối tượng, đủ điều kiện bổ sung vốn nước ngoài theo các tiêu chí, nguyên tắc đề ra, chủ yếu ưu tiên bổ sung cho các dự án kết thúc hiệp định năm 2016 và có khả năng giải ngân tốt. 

>>> Ưu đãi thuế đối với các dự án ODA

>>> Dự án đường sắt sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục