Cần Thơ đặt ra 14 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

17:13' - 06/07/2022
BNEWS UBND thành phố Cần Thơ cho biết, để thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND thành phố giao trong năm 2022, UBND thành phố Cần Thơ đã đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 6/7, ông Dương Tấn Hiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, để thực hiện hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND thành phố giao trong năm 2022, UBND thành phố Cần Thơ đã đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022.

 

Đó là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt tiêm liều bổ sung, nhắc lại; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng… không để bùng phát thành dịch lớn.

Cùng với đó, thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 98 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành phố thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm; đồng thời tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo các Nghị quyết của Chính phủ và văn bản triển khai của các bộ, ngành trung ương.

Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ tập trung hoàn chỉnh nội dung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, tập trung theo dõi, hoàn chỉnh Đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trung ương và nhà đầu tư khẩn trương triển khai các dự án mang tính chất đòn bẩy của thành phố như: Cụm Năng lượng Nhiệt điện Ô Môn, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ... Từng bước hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng thương mại; các trung tâm logistics…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phục hồi, khởi sắc, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với cùng kỳ.

Nổi bật, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với trạng thái bình thường mới, chỉ số phát triển công nghiệp tăng so cùng kỳ; tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định, tăng trưởng, thị trường tiêu thụ được khơi thông, mở rộng…

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,04% so cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 2 trong 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều ngành, lĩnh vực có sự phát triển mạnh mẽ, tăng cao so với cùng kỳ, nổi bật như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,68%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,13%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,74%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,16%; kim ngạch nhập khẩu tăng 3,37%.

Thành phố đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 55%; doanh thu du lịch tăng 57%. Sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 920 ngàn tấn… góp phần giữ vững ổn định nền kinh tế và tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Cần Thơ vẫn còn gặp một số khó khăn như tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nguồn cung cho sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển, logictics tăng.

Sự phục hồi ở các ngành, lĩnh vực chưa đồng đều. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt tiến độ bình quân chung nhưng nguồn thu thuế hải quan vẫn còn thấp. Thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách chưa có tiến triển mới, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục