Cần Thơ khẩn trương tháo gỡ khó khăn để thi công các tuyến kè chống sạt lở sông Ô Môn

19:34' - 28/07/2022
BNEWS Chiều 28/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cùng các sở, ngành chức năng kiểm tra tiến độ thi công các công trình kè chống sạt lở trên sông Ô Môn, thuộc địa bàn quận Ô Môn.

 

Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, đơn vị đang được thành phố giao làm chủ đầu tư 3 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn, gồm: công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An (phía bờ phải), đoạn từ Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu; kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích) và kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ vàm Ba Rích đến rạch Cam My). Ba đoạn kè này có tổng chiều dài hơn 3,7 km, vốn đầu tư hơn 440 tỷ đồng.

Các dự án trên có tác dụng phòng, chống sạt lở, giữ ổn định bờ sông Ô Môn, bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho dân cư đang sinh sống trong khu vực, bảo vệ đất đai, các kết cấu hạ tầng, các công trình kiến trúc, văn hóa, xây dựng ven sông.

Theo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, do các tuyến kè trải dài dọc sông Ô Môn, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nên công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư mất nhiều thời gian. Tuy nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số người dân trên tuyến, nhưng dự án vẫn vướng mắc một số hộ dân người dân khiếu nại về giá bồi thường, không đồng ý với phương án đền bù và bàn giao mặt bằng… Chủ đầu tư đề nghị UBND quận Ô Môn tiếp tục quan tâm hỗ trợ thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công.

 

Kiểm tra thực tế việc thi công xây dựng các đoạn kè nói trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ thường xuyên kiểm tra hiện trường và tổ chức các cuộc họp đối với đơn vị thi công, đơn vị giám sát để thúc đẩy tiến độ xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng và vượt kế hoạch đã duyệt, thực hiện các phần việc còn lại để sớm hoàn thành công trình, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị tại địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng yêu cầu UBND quận Ô Môn tập trung chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường vận động người dân, hoàn thiện giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công trong thời gian sớm nhất.

Đối với nguồn vốn kết dư của các công trình, chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện các thủ tục theo quy định để sử dụng vốn kết dư cho công trình xây dựng mới, gia cố bờ kênh ở đoạn sông sạt lở và có nguy cơ sạt lở, nhằm phòng ngừa sự cố xấu, ảnh hưởng tài sản, tính mạng và sinh hoạt của người dân. Đối với đơn vị thi công, trong quá trình xây dựng phải tập trung phương tiện, trang thiết bị thi công, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo chất lượng công trình.

Sông Ô Môn là tuyến sông chính có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy của thành phố Cần Thơ. Tuyến sông này có lưu lượng tàu thuyền qua lại rất đông, đặc biệt là tàu có trọng tải lớn. Những năm gần đây, sông Ô Môn thường xuyên xuất hiện nhiều điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao, trong đó có nhiều điểm đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, nhà cửa của người dân.

3 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn, gồm: công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An (phía bờ phải), đoạn từ Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu được khởi công xây dựng ngày 27/5/2021 với chiều dài 950m, tổng mức đầu tư 117 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đến nay, công trình thi công đạt khối lượng trên 61,3%. Dự kiến, tuyến kè sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 4/2023.

Kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích), phường Thới Hòa (phía bờ trái sông Ô Môn, hướng từ cầu Ô Môn trở ra sông Hậu) có chiều dài 1,9 km, tổng mức đầu tư trên 223 tỷ đồng. Sau 12,5 tháng khởi công, công trình đã hoàn thành được gần 57%. Tuyến kè này dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 30/4/2023.

Kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ vàm Ba Rích đến rạch Cam My), khu vực Thới Hòa, phường Thới An (giai đoạn 1 từ vàm Ba Rích đến kênh Thủy lợi 1) có chiều dài 875m, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Công trình khởi công vào ngày 1/10/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022.

Gần nhất, vào cuối tháng 3/2022, đoạn sông Ô Môn qua khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đã sạt lở một đoạn dài hơn 40m, nhấn chìm 5 căn nhà của người dân, gây thiệt hại tài sản hơn 1 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tại thành phố Cần Thơ xảy ra 9 điểm sạt lở ở các quận, huyện: Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 16 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng; tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 268m với tổng thiệt hại ước gần 2,7 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục