Cần Thơ tiếp tục tìm kiếm đầu ra cho nông sản đến vụ

06:03' - 13/08/2021
BNEWS Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, hiện thành phố còn khoảng 820 tấn nông sản chưa tiêu thụ được; trong đó, mặt hàng trái cây tồn đọng nhiều nhất.

Hiện nhiều loại trái cây trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang bước vào vụ thu hoạch nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nên việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê, đến cuối tháng 8, thành phố ước tồn đọng khoảng 11.500 tấn nông sản các loại. Cần Thơ vẫn đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại đời sống bình thường mới, góp phần giải quyết tiêu thụ nông sản của địa phương.

* Trái cây tồn đọng nhiều

Gia đình ông Lê Văn Rô, xã Trường Long, huyện Phong Điền có 3 anh em chuyên canh cây dâu Hạ Châu với diện tích 17ha. Năm nay, thời điểm thu hoạch dâu rơi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 và thành phố Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Vì thế, một vụ dâu được mùa, ước đạt khoảng 100 tấn không bán được do không có thương lái đến mua.

Ông Rô ngậm ngùi cho biết, dâu trong vườn đã rụng hết một nửa, trắng đất, trắng mương. Nếu không xảy ra dịch bệnh thì đến nay dâu đã được thương lái thu mua hết.

Trong khi đó, quả thanh nhãn của Hợp tác xã Thuận Phát, huyện Thới Lai cũng đang chật vật tìm đầu ra. Hợp tác xã Thuận Phát, huyện Thới Lai có 17 thành viên chuyên canh thanh nhãn theo chuẩn GlobalGAP. Hiện nay, nhãn đang trong thời kỳ thu hoạch và mỗi ngày có khoảng 3 tấn nhãn được hái nhưng không có đầu ra. Hiện hợp tác xã còn tồn đọng khoảng 40 tấn nhãn.

Theo ông Nguyễn Đại Giao, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát, hiện nhãn chỉ bán lẻ và các thành viên có mối nào bán mối đó, bình quân khoảng 16.000 đồng/kg.

Ông Giao cho biết, giá này quá thấp. Mặc dù lỗ nặng vì đầu ra không có, giá bán thấp trong khi giá phân bón để chăm sóc cây năm nay tăng cao thì vẫn phải chấp nhận.

"Chấp nhận bán nhưng vẫn không tiêu thụ hết số nhãn đang chín rộ ở các vườn vì thế Hợp tác xã lập kho lạnh dự trữ khoảng mấy tấn nhãn. Nhưng trữ vậy chứ cũng không biết đầu ra như thế nào?", ông Giao rầu rĩ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, sau khi thành phố áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, huyện Phong Điền đã kịp thời hướng dẫn, triển khai các văn bản của UBND thành phố, các sở ngành có liên quan về việc tiêu thụ, vận chuyển hàng nông sản cho  các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn biết thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đã đăng ký vận chuyển và được cấp mã QR Code theo "luồng xanh" khi đến địa bàn huyện thu mua hàng nông sản thì huyện tạo điều kiện thuận lợi thu mua, tại những điểm, nơi tập kết hàng hóa nông sản quy định.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành phố kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản đến tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn.

Đồng thời, huyện rà soát, tổng hợp những loại trái cây còn sản lượng lớn nhưng chưa có đầu ra để phối hợp với các sở ngành có liên quan đưa lên sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

Tuy nhiên, đến nay hiệu quả hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện chưa cao do nhu cầu thị trường giảm vì ảnh hưởng từ các biện pháp phòng, chống dịch; thương lái thu mua trái cây với sản lượng nhỏ và có rất ít thương lái đến thu mua. Việc lưu thông, vận chuyển hàng nông sản còn nhiều hạn chế như: thời gian vận chuyển, lưu thông kéo dài, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn còn ùn ứ, gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn trên tác động rất lớn đến việc tiêu thụ hàng nông sản, đặc biệt là các loại trái cây trên địa bàn huyện Phong Điền như: nhãn Idol, chanh không hạt, dâu Hạ Châu,... Tổng sản lượng trái cây đang thu hoạch trên địa bàn ước khoảng 1.148 tấn; trong đó, nhiều nhất là dâu Hạ Châu 485 tấn; chanh, hạnh 323 tấn; mít 159 tấn; sầu riêng 86 tấn; nhãn Idol 95 tấn.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, hiện thành phố còn khoảng 820 tấn nông sản chưa tiêu thụ được; trong đó, mặt hàng trái cây tồn đọng nhiều nhất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ thống kê sản phẩm nông sản cung ứng trên địa bàn thành phố đến ngày 31/8, ước khoảng 14.000 nông sản các loại, trong đó, trên 12.000 tấn trái cây. Qua các hoạt động kết nối cung - cầu và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, từ ngày 21/7 - 10/8, chỉ mới có trên 1.300 tấn trái cây được tiêu thụ.

*Hỗ trợ tiêu thụ

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời điểm khó khăn này, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, Sở đã thiết lập và thông báo rộng rãi đường dây nóng tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp.

Cùng đó, phối hợp với địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa trong điều kiện dịch COVID-19. Ngoài ra, thống kê nhu cầu cần hỗ trợ phương tiện vận chuyển nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân để gửi Bộ Chỉ huy quân sự thành phố điều động phương tiện hỗ trợ theo chỉ đạo của Quân khu 9.

Các ngành chức năng phối hợp với địa phương rà soát, cung cấp thông tin về nhu cầu và khả năng cung ứng các mặt hàng nông sản để tổng hợp gửi Sở Công Thương hỗ trợ thông báo và tạo điều kiện cho các siêu thị, các điểm bán hàng bình ổn giá, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Hàng ngày, Sở cũng tổng hợp đưa thông tin nhu cầu cung ứng các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ nông dân lên sàn htx.cooplink.com.vn của Tổ công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối tiêu thụ.

Kết quả đã hỗ trợ tiêu thụ được một lượng nông sản cho bà con nông dân, cũng như tháo gỡ được một số trường hợp vướng mắc trong vận chuyển vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, sản lượng lượng nông sản nói chung và trái cây nói riêng được tiêu thụ qua các kênh rất hạn chế do tình hình dịch bệnh khó khăn trong vận chuyển, thu mua.

Để đảm bảo hàng hóa lưu thông, giải quyết các vấn đề cung cầu của các mặt hàng nông sản trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Tấn Nhơn cho rằng, các tỉnh, thành phố, các địa phương phải thực hiện một cách đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Các tỉnh, thành phải hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo luồng xanh nhanh; những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe luồng xanh, để tránh ách tắc giao thông, nếu đi chung với các loại phương tiện khác sẽ mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là chất lượng sản phẩm tươi sống.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, Cần Thơ đang tách F0, F1, F2 ra khỏi cộng đồng trong vòng 5 ngày giãn cách còn lại. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì sớm mở lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống sẽ thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, việc triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử cũng là một giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản tích cực không chỉ trong tình hình dịch bệnh mà còn là chiến lược lâu dài của nghành nông nghiệp thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục