Cần Thơ tìm hiểu công nghệ sau thu hoạch của Israel

18:06' - 07/03/2018
BNEWS Israel được Cần Thơ chọn là đối tác trong học hỏi, chuyển giao công nghệ ngành nông nghiệp, cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại song phương.

Trước thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, sự khan hiếm nguồn nhân lực... khiến giá trị nông sản đi xuống, đòi hỏi ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tự động hóa dây chuyền sản xuất để giảm lượng nhân công.

Israel được Cần Thơ chọn là đối tác trong học hỏi, chuyển giao công nghệ ngành nông nghiệp, cũng như thúc đẩy hợp tác thương mại song phương.

Đó là nội dung chính của Hội thảo "Công nghệ sau thu hoạch của Israel - Chìa khóa dẫn đến thành công", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phối hợp cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 7/3.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ thông tin: Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm thu hoạch khoảng 20 triệu tấn lúa, trong đó lượng thất thoát khoảng 10%, tương ứng 2 triệu tấn, trị giá từ 3.000 - 3.500 tỷ đồng.

Mặt khác, vốn được mệnh danh là vùng đất trù phú tài nguyên thiên nhiên, nhưng sau quá trình dài khai thác phục vụ nông nghiệp một cách không khoa học, đã dẫn đến ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước ngầm, đất bề mặt bị chai... khiến sản lượng nông sản ngày càng giảm, giá trị thu mua thấp.

Trưởng phòng Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Israel, ông Yaniv Tessel cho biết: Israel là quốc gia có 2/3 diện tích là sa mạc, do đó nguồn nước ngọt tưới tiêu khá khan hiếm. Đồng thời, Israel là quốc gia nhỏ, dân số khiên tốn nên rất nan giải về nhân công.

Vì thế, Israel xác định đổi mới công nghệ là hướng đi chủ đạo của quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, các mô hình tưới nhỏ giọt, mô hình nhà lưới, phân bón chính xác, hệ thống quản lý vật nuôi thông minh... được Israel áp dụng và cho kết quả tốt.

Đơn cử, các ứng dụng thông minh cho chăn nuôi bò sữa được tự động hóa từ khâu ID điện tử đo động dục, cảm biến hành vi, đến hệ thống tự cho bò ăn, trạm vắt sữa bằng robot cho phép tần suất vắt sữa khác nhau, máy đo phân tích thành phần sữa....

Tiến sĩ Ron Porat, Trung tâm Volcani, Israel nhấn mạnh: Trong khâu giảm thất thoát sau thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, các chuyên gia Israel sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene của cây trồng, tạo ra các giống cây có khả năng kháng bệnh cao, ít bị oxy hóa, kéo dài thời gian tươi của sản phẩm. Từ đó, cho phép nông sản được thu hoạch sớm hơn, to hơn, thời gian sử dụng lâu hơn.

Bên cạnh đó, các biện pháp vệ sinh môi trường nhằm kiểm soát sự phân rã của nông sản cũng được chú trọng, bằng hệ thống máy rửa và làm khô bằng nước nóng 55 độ trong 22 giây, khử trùng bằng tia UV, hoặc bằng lớp phủ bên ngoài rau củ composite chitosan gelatin ăn được. Các biện pháp này giúp nông sản chậm quá trình phân hủy, kéo dài thời gian bảo quản lên tới 21 ngày.

Thời gian tới, thông qua hợp tác đôi bên, các công nghệ này sẽ được dần chuyển giao về Việt Nam./.

>>>Cần Thơ được mùa, được giá lúa Đông Xuân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục