Cần Thơ: Vì sao tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao?

09:19' - 31/05/2021
BNEWS Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Cần Thơ, đóng góp 40% GDP và tạo ra 50% số lượng việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động chưa bền vững.

Cần Thơ hiện có 11.550 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm khoảng 26% doanh nghiệp cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long), trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 98,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Cần Thơ, đóng góp 40% GDP và tạo ra 50% số lượng việc làm cho xã hội.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động chưa bền vững, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi năm còn ở mức cao.

Từ năm 2016 đến 2020, thành phố Cần Thơ cấp mới đăng ký kinh doanh cho 6.232 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 36.706 tỷ đồng.

Trong vòng 5 năm đó, tổng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế (bao gồm tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tạm dừng hoạt động hoặc chờ giải thể, đã giải thể) lên đến 2.719 doanh nghiệp (tương đương số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 2 năm), trong đó, cao nhất là năm 2020 với 657 doanh nghiệp.

Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố cấp mới cho 649 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 9.550 tỷ đồng, đạt bình quân 14,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế là 285 doanh nghiệp, chiếm khoảng 43% doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 5 tháng qua.

Mặc dù, chiếm trên 98,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chủ yếu tham gia trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bán buôn, bán lẻ manh mún, nhỏ lẻ, rất ít doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến, chế tạo và logistics.

Các doanh nghiệp chưa có sự tham gia liên kết với các chuỗi giá trị toàn cầu, thiếu định hướng phát triển và rất dễ bị tổn thương trước sự biến động của thị trường, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 kéo theo sự gãy đỗ của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ Lê Thanh Tâm hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: việc tuyển dụng lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, về tiếp cận đất đai, về vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ, về ứng dụng khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu thông tin thị trường cũng như cổng đối thoại với các bộ, ngành để tìm kiếm sự hỗ trợ và sự bảo vệ, đặc biệt là các thông tin về giá cả hàng hóa, thủ tục mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như quy trình sản xuất và chất lượng yêu cầu.

Ông Lê Thanh Tâm cho rằng, do quy mô nhỏ nên doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp phải những hạn chế cố hữu như công nghệ lạc hậu, nguồn vốn hạn chế, trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ cả về lượng và chất. Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cách thức quản lý, quản trị mang tính gia đình, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn và thiếu sản phẩm mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cần Thơ Lê Thanh Tâm cho rằng, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có những chính sách và cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao quy mô của doanh nghiệp, hình thành số lượng đông đảo hơn các doanh nghiệp quy mô vừa và doanh nghiệp quy mô lớn với trình độ quản trị tốt hơn, đóng vai trò hạt nhân để liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, trở thành động lực hoặc đào tạo cho sự phát triển của cả một ngành hoặc một cụm doanh nghiệp.

Xây dựng các chính sách, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tốt sẽ góp phần hình thành một cấu trúc doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp; tiếp tục nâng cao vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ đóng vai trò vững chắc là trụ cột của nền kinh tế và góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh địa phương.

Cần Thơ nhận thấy phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xây dựng hệ cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy đang xây dựng đề cương Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.

Đề cương vạch ra những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ổn định, lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục