Cẩn trọng và “không bỏ trứng vào một giỏ”

07:48' - 15/06/2021
BNEWS Lợi nhuận khủng đánh động lòng tham của con người, mong muốn làm giàu nhanh chóng lại càng trỗi dậy khiến nhiều người lao theo các kênh đầu tư một cách mù quáng.

Cần một khung pháp lý rõ ràng quy định cụ thể đồng tiền kỹ thuật số là gì, được phép giao dịch ở mức độ nào, cho phép mua bán hay cho phép thanh toán và những biện pháp xử lý khi các đồng tiền này bị sử dụng một cách bất hợp pháp…

Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu với phóng viên TTXVN xung quanh câu chuyện quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số tại Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, tiền ảo, tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Ông nhận định ra sao về xu hướng phát triển của loại tài sản mới này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta gọi là tiền ảo, tên tiếng Anh là crypto currency, tức là tiền được mã hóa và chúng ta có thể gọi là tiền kỹ thuật số.

Lấy ví dụ về Bitcoin, một đồng tiền được tạo ra từ những công thức toán rất phức tạp. Số lượng đồng tiền được mặc định trong khi số lượng người "đào" được thông qua những hệ thống điện tử đồ sộ ngày càng lớn khiến cho số lượng Bitcoin còn lại ngày một ít đi. Điều này tạo sự khan hiếm và đẩy giá trị đồng Bitcoin lên cao.

Trong năm 2020, giá trị đồng Bitcoin đã lên đến gần 6.000-7.000 USD dù khởi điểm chưa đến 1 USD. Sang đến năm 2021, giá Bitcoin có thời điểm đã vượt 60.000 USD rồi từ đó lại rớt giá đến 50% như hiện nay. Giá trị đồng tiền này có những ngày lên xuống vài nghìn USD chỉ trong ít giờ.

Rất nhiều người thấy giá trị đồng Bitcoin và những đồng tiền kỹ thuật số biến động, có thể tạo ra lợi nhuận khủng khiếp như thế nên đang đổ tiền đầu tư vào những sàn giao dịch đồng tiền kỹ thuật số. Không ít thuận lợi song hành cùng rủi ro khi tham gia vào những hoạt động này.

Phóng viên: Như ông vừa chia sẻ, giá trị các đồng tiền số có những bước thay đổi khó kiểm soát, ví như đồng Bitcoin đã có thời điểm lên tới hơn 60.000 USD, nhưng rồi cũng tụt dốc không phanh. Vậy với đồng tiền có giá trị biến đổi khôn lường như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Dĩ nhiên nó ảnh hưởng trước hết là với những người đang sở hữu đồng tiền số. Nhiều người nhờ giá trị biến động mà mua được nhà, được xe, nhưng cũng nhiều người mất trắng khi mua vào giá cao mà bán với giá thấp.

Còn đối với nền kinh tế Việt Nam, sự biến động đó đã tạo ra hiện tượng nhiều người đổ xô vào đầu tư với mong muốn làm giàu một cách nhanh chóng. Ngay cả trong giới sinh viên dù chỉ có một vài triệu thôi, nhưng cũng ráng mua một phần nào đó với hy vọng làm giàu.

Khi đầu tư vào tiền ảo sẽ tạo ra 2 hiệu ứng: Thứ nhất, dùng tài sản thực của họ để mua tài sản ảo; thứ hai là họ trốn chạy những tài sản hợp pháp để đi vào những tài sản có thể là giao dịch lừa đảo bất hợp pháp. Tất cả những điều này sẽ tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế.

Theo thống kê của Statista - công ty về công nghệ thông tin, về khảo sát thị trường, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Nigieria) về mức độ quan tâm đến tiền kỹ thuật số với 22% số người được hỏi đều trả lời có tham gia đầu tư loại tài sản này.

Rõ ràng, lượng người "chơi" tiền kỹ thuật số tại Việt Nam đang rất lớn và sẽ ngày một lớn hơn. Do đó, nếu không đưa ra cảnh báo để người dân hiểu rõ hơn về loại tài sản mới này thì đến khi đồng tiền kỹ thuật số rớt giá hoặc có thể triệt tiêu như một số chuyên gia dự báo sẽ gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư và sẽ làm chấn động thị trường tài chính Việt Nam.

[Đầu tư ảo, mất tiền thật]

Phóng viên: Chính phủ các nước đã có những thay đổi ra sao về góc nhìn cũng như thích ứng với tiền kỹ thuật số, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tại Mỹ, họ xem đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin là một tài sản trí tuệ và cho phép giao dịch mua bán. Đây là phương tiện thanh toán mặc dù tại Mỹ hay một số quốc gia khác, đồng Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số không được coi là đồng tiền pháp định (legal tender). Trong khi đó tại Pháp lại cấm không được giao dịch đồng tiền đó.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước quy định không được phép dùng đồng kỹ thuật số; trong đó có Bitcoin để thanh toán, trả tiền taxi, khách sạn hay mua sắm đồ dùng... Việt Nam cấm sử dụng tiền kỹ thuật số như một phương tiện thanh toán, như một đồng tiền pháp định. Tại Việt Nam chỉ có một đồng tiền pháp định duy nhất là tiền Đồng, không một đồng tiền nào khác được xem là pháp định của Việt Nam, kể cả Bitcoin.

Phóng viên: Giao dịch tiền kỹ thuật số đang diễn ra sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến tướng, gây nên những hệ lụy đáng tiếc. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước tiên, tôi nghĩ chính là do lòng tham của con người. Ai cũng có tham vọng làm giàu không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả thế hệ sau. Nhưng cũng chính vì những tham vọng đó mà nhiều người lại đi theo những giao dịch với mức lợi nhuận quá nhiều hứa hẹn, lên đến cả nghìn phần trăm mỗi năm.

Lợi nhuận khủng đánh động lòng tham của con người, mong muốn làm giàu nhanh chóng lại càng trỗi dậy khiến nhiều người lao theo các kênh đầu tư một cách mù quáng.

Một yếu tố nữa tạo ra làn sóng này phải kể tới môi trường pháp lý. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấm không được dùng tiền kỹ thuật số như là phương tiện thanh toán. Chúng ta còn chưa có quy định tiền ảo là gì, được giao dịch thế nào, mua bán, chuyển nhượng ra sao, quy đổi thế nào ra tiền đồng, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý... Đây là một lỗ hổng rất lớn tạo cơ hội cho những biến tướng phát triển.

Phóng viên: Ông có đề xuất ra sao về khung pháp lý để quản lý tiền kỹ thuật số?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng Chính phủ cần gấp rút đưa ra Đề án quản lý hình thức giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số một cách cụ thể. Trong Đề án đó phải định nghĩa rõ ràng đồng tiền kỹ thuật số là gì, được phép giao dịch ở mức độ nào, cho phép chuyển nhượng, cho phép giao dịch, mua bán hay cho phép thanh toán và cả những biện pháp xử lý khi những tài sản trí tuệ này bị sử dụng một cách bất hợp pháp, chẳng hạn như lừa đảo hay xâm phạm đến chủ quyền, đến tình hình tài chính của quốc gia...

Việt Nam cũng cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia, để có khung pháp lý vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với môi trường kinh doanh của Việt Nam và tạo ra cơ hội để người ta có thể kiếm tiền, làm giàu với những tài sản trí tuệ.

Phóng viên: Vậy trước khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện đối với tài sản số, ông có khuyến cáo gì đối với các nhà đầu tư?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, dù đầu tư vào đâu, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ. Chẳng hạn với tiền kỹ thuật số, hiện nay có hàng nghìn loại khác nhau, các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu đồng tiền đó hoạt động thế nào và giao dịch mua bán với đối tác nào. Tránh những trường hợp, nhà đầu tư chỉ vì ham lợi nhuận mà xuống tiền đầu tư chỉ qua vài lời quảng cáo, mời chào mang tính đa cấp.

"Không bỏ trứng vào một giỏ" là nguyên tắc không thể bỏ qua khi đầu tư. Do đó, với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, chỉ nên bắt đầu với một số tiền nhỏ và nên rèn cho bản thân một kỷ luật tài chính. Tức là đặt ra mục tiêu lợi nhuận, khi đạt được rồi thì chốt lời bán đi, không cố găm giữ chờ giá lên hoặc ngay cả khi giá trị đi xuống, cũng phải có một mức cắt lỗ nhất định.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

>>"Lái" dòng chảy tiền ảo theo hướng nào?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục