Đầu tư ảo, mất tiền thật

07:43' - 15/06/2021
BNEWS Tiền tỷ nằm trong tay, nhà lầu, xe hơi… những tưởng đã sở hữu ngay trước mắt. Vậy mà cuối cùng cũng biến thành con số 0 tròn trĩnh sau những con số "xanh-đỏ".

Đó là câu chuyện của nhiều nhà đầu tư trong thời gian gần đây khi tham gia vào các quỹ mang danh nghĩa đầu tư tiền ảo.

* Lợi nhuận siêu khủng

Tin tưởng vào lời quảng cáo của người thân, chị N.H (29 tuổi, sống tại Đống Đa, Hà Nội) đã đổ tiền vào Orius Capital, một nền tảng đầu tư được giới thiệu là dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain) để đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn từ 2-3% mỗi ngày.

"Khởi điểm chỉ với 200 USD nộp vào mà ngày nào cũng lãi 4-6 USD, tính ra mỗi tháng cũng được cả trăm USD nên tôi không chần chừ mà quyết đầu tư luôn. Tiền để không thì không sinh lời mà gửi ngân hàng cũng chẳng bao giờ có được mức lãi như vậy. Hơn nữa, họ cũng cam kết mọi nhà đầu tư tham gia đều sẽ được hoàn vốn sau 3 tháng và nhân đôi lợi nhuận chỉ sau 6 tháng", chị H nhớ lại thời điểm đầu năm 2019 khi quyết định mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư.

Quả thật, kể từ khi tham gia, chị H ngày nào cũng thu lời kha khá từ khoản tiền ban đầu. Tiền lãi có thể quy đổi sang tiền đồng để rút ra hoặc đầu tư tiếp. Nhưng để rút tiền ra thì phải thông qua người giới thiệu ban đầu (gọi là "cấp trên") để rút tiền, chứ người chơi không thể trực tiếp rút tiền hay tiền tự đổ về tài khoản ngân hàng. Dù băn khoăn về quy trình của dòng tiền và tính thanh khoản nhưng tiền vẫn rút được và lãi vẫn đều đều nhận hàng ngày nên số tiền đầu tư của chị H ngày một lớn để mong "tiền đẻ ra tiền" thật nhanh.

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. "Con át chủ bài" xuất hiện. Theo đó, Orius Capital công bố ra mắt đồng tiền kỹ thuật số mới trên sàn tiền số quốc tế, hứa hẹn giá trị sẽ có ngày tăng đột biến như Bitcoin và chỉ có những leader (có thể hiểu là trưởng đại diện khu vực trong mô hình đầu tư) mới có thể mua được với số lượng có hạn.

Tâm lý "khan hiếm" khiến các nhà đầu tư vội lao theo. Chị H với toàn bộ số vốn ban đầu cùng cả tỷ đồng tiền lãi thu được trong quá trình đầu tư đã đổ vào để mua đồng tiền "ảo" này. Nhưng viễn cảnh ngồi trên "núi tiền" nhanh chóng đổ sập khi đồng tiền ảo lên sàn được ít lâu đã mất giá thê thảm.

Nhìn lại mức lợi nhuận quảng cáo từ 2%/ngày tương đương tới hơn 700%/năm - mức lợi nhuận hấp dẫn đến phi thực tế mà khó có chiến lược kinh doanh nào có thể đạt được, nhà đầu tư không thể không đặt câu hỏi vậy dựa vào đâu để có lợi nhuận khủng đến thế?

"Đến giờ bình tĩnh nhìn lại thì tôi mới nhận ra, chẳng có doanh nghiệp nào kinh doanh lãi đến vậy, chỉ là họ lấy tiền của người sau trả cho người trước (gọi là mô hình ponzi). Khi tham gia vào mô hình này, để tăng thêm mức lợi nhuận mỗi ngày thì mỗi người chơi sẽ phải phát triển thêm nhánh, dụ dỗ thêm người khác đầu tư, không khác gì đa cấp", chị H chia sẻ.

Mô hình ponzi không mới và thường được giới thiệu là các siêu dự án với lãi siêu khủng như đầu tư đào Bitcoin, chứng khoán, casino.... Và càng phát triển được thêm nhánh đầu tư thì những người tham gia càng kiếm được thêm nhiều tiền. Nhưng đến khi không thể thu hút nhà đầu tư mới, không có khả năng trả lãi cho các nhà đầu tư, các đại lý thì dự án sẽ ngừng hoạt động và "lẳng lặng" biến mất cùng toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

Tương tự mới đây, sàn giao dịch đầu tư tài chính Busstrade với lời quảng cáo được thành lập và cấp phép ở nước Anh, "bao lãi, bảo hiểm vốn 100%" đã bất ngờ biến mất, khiến hàng trăm người đầu tư mất trắng hàng tỷ đồng.

Được bạn mời đầu tư với những lời quảng cáo có cánh, chị T.T.T (SN 1971, ngụ phường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An) tin tưởng gom toàn bộ tiền trong nhà được hơn 435 triệu đồng đầu tư vào tiền ảo. Chưa đầy một tháng sau, lãi chưa thu về đồng nào thì sàn đã sập, chủ sàn biến mất, không thể liên lạc. Xót của, chị T. đổ bệnh phải nhập viện cấp cứu...

["Lái" dòng chảy tiền ảo theo hướng nào?]

Chị T. chỉ là một trong số hàng trăm người đã lên tiếng tố cáo bị sàn giao dịch tài chính Busstrade chiếm đoạt tiền... Người đầu tư nhiều nhất là vài tỷ đồng, người ít nhất cũng 1.000 USD. Tất cả những người tham gia vào sàn giao dịch này đều dưới hình thức "copytrade", nghĩa là người chơi không phải làm gì, thậm chí không cần online, Busstrade đã lập trình để tài khoản tự động copy theo lệnh giao dịch của một "chuyên gia" với lợi nhuận cam kết là 30%/tháng. Mỗi tuần nhà đầu tư đóng bảo hiểm tương đương 2% số tiền đầu tư (tức 8%/tháng), riêng tài khoản 100 USD thì được miễn.

Dù cam kết không phải là mô hình đa cấp, nhưng Busstrade lại trả hoa hồng từ 0,5-0,9% trên tổng số tiền của nhà đầu tư mới tham gia cho người giới thiệu được thành viên mới tham gia. Bản chất sàn này lấy tiền của người thua trả cho người thắng, nhưng lại "móc túi" người tham gia một cách tinh vi bằng cách thu phí giao dịch từ 8-10% đối với người thắng và 5% phí rút tiền qua sàn.

* Cám dỗ vì lợi nhuận cao

"Đa phần các nhà đầu tư hiện nay thường đi theo phong trào, cả tin và có đôi chút tham lam, thấy quảng cáo hấp dẫn, lãi suất cao, nhưng không kiểm chứng mà đã đổ tiền vào đầu tư", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nhiều mạng lưới được quảng cáo là đầu tư tiền số nhưng lại không hề có nền tảng tiền kỹ thuật số nào trên đó. Dù vậy, người ta vẫn đổ xô vào đầu tư vì tin nhau. Từ đó dẫn đến bị lừa đảo hoặc thậm chí vi phạm pháp luật bởi Việt Nam chưa công nhận các loại tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán hay loại hình đầu tư hợp pháp.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAWS chia sẻ: "Phần lớn giao dịch đều là giữa những người quen biết với nhau nên không có giấy tờ chứng minh việc giao nhận tiền. Do đó, khi một nhà đầu tư bị đánh trúng tâm lý ham lợi nhuận cao, "dỗ ngon ngọt" đưa tiền đi đầu tư tiền ảo nhưng sau một thời gian tiền xuống giá, kinh doanh thua lỗ hoặc sàn sập, không có khả năng trả lại tiền cho nhà đầu tư thì cũng rất khó để cơ quan chức năng xác định và khởi tố các tội liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...".

"Thậm chí, chính các nhà đầu tư bị thiệt hại cũng không phối hợp với cơ quan chức năng nên trong nhiều vụ việc khó có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư mà mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo", ông Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí về một vụ "đánh sập" sàn giao dịch vàng và tiền ảo mới đây, Trung tá Đinh Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Tp. Hà Nội cho biết: Đây là loại hình tội phạm mới nên quá trình tổ chức đấu tranh gặp nhiều khó khăn, cần có trình độ cao về công nghệ thông tin và tài chính. Nguồn tiền từ người chơi nạp vào được chuyển qua nhiều nguồn khác nhau, tên miền trang web, máy chủ chứa dữ liệu đều thuê tại nước ngoài và ẩn danh của các nhà cung cấp nên gây khó khăn trong điều tra truy nguyên.

Mặt khác, số lượng đối tượng chuyên án đông, chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ cao, có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội; hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau, tập trung ở thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã gây nhiều khó khăn trong xác minh, đấu tranh của cơ quan công an, đặc biệt là vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

"Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều tìm cách xoá dấu vết. Một số đối tượng từng có tiền án tiền sự về tội phạm công nghệ cao nên rất biết cách lẩn trốn cơ quan chức năng. Các đối thường hoạt động thường xuyên thay đổi nơi ở sau một thời gian hoạt động để trách sự phát hiện của cơ quan chức năng", Trung tá Đinh Thị Thu Thuỷ cho hay.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khách quan mà nói tiền kỹ thuật số là một xu hướng hiện đại, có thể giúp thanh toán mọi nơi mọi lúc và chi phí thấp, giúp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, tạo tiện ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là rất rủi ro về kỹ thuật vì thiếu khung pháp lý, dễ dẫn đến bị lừa đảo, bị mất tiền, đánh cắp.

Bên cạnh đó là những rủi ro liên quan đến việc có được chấp nhận sử dụng hay không tại một số khu vực, quốc gia; rủi ro về công ty cung cấp nền tảng đó có ý định xấu lừa đảo, đa cấp.../.

>>>Cơ sở pháp lý nào cho tiền ảo?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục