Cần ưu tiên để đường sắt thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém

18:17' - 12/09/2016
BNEWS Dự thảo Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông đường sắt thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay.

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ Ba, chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Nâng cao thị phần vận tải đường sắt

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật nêu rõ, Luật Đường sắt 2005 cùng các văn bản hướng dẫn bước đầu đã thể hiện được tư duy mới trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đường sắt, phân định rõ công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải; đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trong hoạt động đầu tư và kinh doanh đường sắt.

Tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật đã bộc lộ một số tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt. Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 17 luật, pháp lệnh, trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005.

Vì vậy, Luật Đường sắt cần được điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành. Bản thân một số nội dung của Luật đã quy định, nhưng việc triển khai thực hiện còn hạn chế, cụ thể về chính sách phát triển đường sắt; trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; kinh doanh đường sắt; một số quy định của Luật chưa phù hợp, cần sửa đổi như: Quản lý đất dành cho đường sắt; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và phí điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Đồng thời, các nội dung chưa được quy định trong Luật Đường sắt cần bổ sung phù hợp với thực tiễn như: Ưu đãi trong hoạt động đường sắt; nội dung công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; về công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt...

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sửa đổi Luật hiện hành theo hướng tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải đường sắt do Nhà nước đầu tư; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đường sắt.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm: 9 chương, 95điều, trong đó giữ nguyên: 4/114 điều (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung: 65/114 điều (chiếm 57%); bãi bỏ: 45/114 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới: 26 điều.

Quy định rõ hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Đa số các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan; cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo các dự án Luật đang trong quá trình sửa đổi hoặc ban hành mới như dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), dự án Luật quy hoạch… để bảo đảm dự thảo Luật phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật; có điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính thi hành Luật trong thực tiễn với lộ trình phù hợp.

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định ngay một số nội dung tại dự thảo Luật, hạn chế việc quy định trong văn bản dưới luật; đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, làm rõ một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật trong hồ sơ trình Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, so với các lĩnh vực giao thông khác, lĩnh vực giao thông vận tải phát triển chậm nhất và đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ được nguyên nhân vì sao so với các lĩnh vực khác, cụ thể như hàng không phát triển rất nhanh, trong khi đường sắt lại chậm phát triển.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá rõ nguyên nhân yếu kém của ngành đường sắt, có phải do Luật Đường sắt 2005 chưa hoàn thiện hay do việc triển khai luật chưa tốt, các quy định của luật chưa đi vào cuộc sống. Từ việc đánh giá chính xác nguyên nhân mới giúp việc sửa đổi Luật khắc phục triệt để những yếu kém trong thời gian qua - đại biểu nêu rõ.

Cho ý kiến vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, một số ý kiến đánh giá dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung so với Luật Đường sắt năm 2005, nhưng tại Điều 1 dự thảo Luật vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Đường sắt năm 2005 là chưa thực sự hợp lý, chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về đường sắt, chưa bảo đảm tính khái quát toàn diện các quy định của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu để thể hiện lại Điều 1 của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn. Nhiều ý kiến đánh giá Điều 1 của dự thảo mới chỉ liệt kê một số chương vào phạm vi điều chỉnh nhưng chưa đầy đủ, đề nghị ban soạn thảo phải nghiên cứu để khái quát được toàn diện phạm vi của dự thảo Luật.

Tán thành với những quy định về chính sách phát triển đường sắt, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông đường sắt thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay.

Các ý kiến cũng tán thành việc cần thiết có quy định về đường sắt tốc độ cao (Chương 8), tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để quy định cụ thể, chi tiết hơn, qua đó khai thác thực sự hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư lớn nhưng khai thác không tương xứng...

Đánh giá Luật Đường sắt 2005 mới chỉ đưa ra nguyên tắc phân định công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tách bạch được hai hoạt động này, chưa làm rõ những nội dung cụ thể của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đánh giá đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường sắt.

Nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết bổ sung quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường sắt vào dự thảo Luật.

Theo chương trình, sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục