Canada cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh

18:12' - 18/03/2024
BNEWS Bà Catherine Stewart, Đại sứ Biến đổi khí hậu của Canada, đã trao đổi với phóng viên TTXVN về kế hoạch hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.

Bà Catherine Stewart, Đại sứ Biến đổi khí hậu của Canada, đã trao đổi với phóng viên TTXVN về kế hoạch của Canada trong việc hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện quá trình chuyển đổi xanh nhân chuyến thăm gần đây của bà đến Việt Nam

*Phóng viên: Xin bà cho biết những sáng kiến và cam kết của Canada đối với hành động vì khí hậu toàn cầu?

*Đại sứ Catherine Stewart: Biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp toàn cầu. Chúng tôi đang làm rất nhiều việc  để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu của Canada và cũng đang làm rất nhiều việc để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Canada đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và chúng tôi cam kết lập kế hoạch 5 năm một lần để hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu đó. Hiện tại, chúng tôi cam kết giảm lượng khí thải từ 40% đến 45% vào năm 2030. Chúng tôi đã và đang thực hiện khoảng 140 biện pháp và đầu tư khoảng 120 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Canada.

 

Một số sáng kiến mà chúng tôi đang thúc đẩy ở Canada bao gồm cam kết loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và cam kết loại bỏ dần than chưa suy giảm dùng cho cung cấp năng lượng. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy các quy định về nhiên liệu sạch và điện sạch để đến năm 2035, chúng tôi có thể có điện sạch hoàn toàn.

Ngoài ra, Canada cũng đang thúc đẩy vận hành các phương tiện không phát thải, cũng như các quy định và hỗ trợ để thực hiện điều này. Gần đây, chúng tôi đã công bố một khung quy định nhằm hạn chế lượng khí thải từ dầu và khí đốt. Chúng tôi cũng đã có các quy định nhằm giảm 75% lượng khí thải trong lĩnh vực dầu và khí. Chúng tôi đang làm rất nhiều việc để cố gắng giảm lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước của chúng tôi.

Canada cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt những tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy chúng tôi đã xây dựng chiến lược thích ứng quốc gia, giúp cộng đồng kiên cường hơn trước những tác động đó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận của chúng tôi đối với vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng bao gồm hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Canada đã cam kết khoản tài trợ khí hậu 5,3 tỷ USD, bao gồm một tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng, và chúng tôi đang thúc đẩy một số sáng kiến trong khuôn khổ khoản tài chính khí hậu đó.

Đối với Canada, chúng tôi cảm thấy rõ ràng rằng chúng tôi đang giải quyết ba cuộc khủng hoảng một lúc, một cuộc khủng hoảng khí hậu chống lại ô nhiễm và suy thoái đa dạng sinh học. Ngoài những nỗ lực của chúng tôi về biến đổi khí hậu, chúng tôi còn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong việc đăng cai COP15, Công ước đa dạng sinh học và ký kết Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal.

Chúng tôi dự định sẽ tổ chức phiên đàm phán năm nay, INC-4 (phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ nhằm phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm môi trường biển). Phiên đàm phán này kêu gọi hướng tới một thỏa thuận về nhựa toàn cầu mà chúng tôi hy vọng sẽ ký kết vào cuối năm nay. Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu của Canada, Steven Guilbeault cũng đã ủng hộ rất mạnh mẽ việc tài trợ khí hậu và đảm bảo rằng chúng tôi có được sự hỗ trợ cần thiết cho các nước đang phát triển trong tương lai.

*Phóng viên:Vậy bà đánh giá thế nào về mối quan hệ hợp tác trong thời gian qua giữa Việt Nam và Canada?

*Đại sứ Catherine Stewart: Mối quan hệ giữa hai nước Canada và Việt Nam rất sâu sắc. Chúng ta đã có hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 30 năm Canada hỗ trợ phát triển cho Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư hơn 1,8 tỷ USD vào hỗ trợ phát triển cho Việt Nam để giúp Việt Nam giảm nghèo và bất bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm cả quản trị toàn diện. Chúng tôi thực sự mong muốn được tiếp tục mối quan hệ hợp tác tốt đẹp mà chúng tôi đã thiết lập với Việt Nam.

Một phần lý do tôi ở đây là để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của chúng tôi, đây là nỗ lực phối hợp của Chính phủ Canada nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng tôi ở khu vực này, cũng như làm sâu sắc thêm sự hợp tác của Canada với Việt Nam. Chúng tôi cam kết hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển bền vững và khả năng phục hồi trong khu vực và ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng cả hai quốc gia của chúng ta có thể tiếp tục là những quốc gia tích cực trên toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

*Phóng viên: Nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, chẳng hạn như các cộng đồng ven biển ở Việt Nam đang chịu xói mòn nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao. Xin bà cho biết Canada sẽ hỗ trợ Việt Nam xử lý những vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?

*Đại sứ Catherine Stewart: Thích ứng chắc chắn là một ưu tiên của Canada. Tôi đã nói rất nhiều về những nỗ lực trong nước của Canada nhằm giảm lượng khí thải, và chúng ta cũng cần xây dựng những cộng đồng vững mạnh và có khả năng thích ứng tốt hơn với những tác động của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đang hiển hiện rất rõ ràng ở Canada. Trận cháy rừng xảy ra vào mùa hè năm ngoái ở Canada, đã thiêu rụi một diện tích tổng cộng 18,5 triệu ha, một con số không hề nhỏ. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rất cần thiết phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề mà đang gây tác động đến nền kinh tế cũng như sinh kế của người dân.

Biến đổi khí hậu đang có những tác động đối với GDP của Việt Nam, bao gồm tổn thất khoảng 12 đến 14% GDP của Việt Nam tới năm 2050. Chúng tôi cam kết hỗ trợ cộng đồng ở Việt Nam để họ có khả năng ứng phó tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu và phát triển mạnh mẽ trong các thế hệ tương lai. Đó là lý do tại sao việc thích ứng thực sự là một phần quan trọng của Thỏa thuận Paris.

Chúng tôi có biện pháp giảm thiểu, thích ứng và cung cấp hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới này. Ví dụ, chúng tôi biết ở Việt Nam mực nước biển dâng cao là mối đe dọa rất lớn, kể cả ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi cam kết hỗ trợ để giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này. Trước đây, thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á, chúng tôi đã hỗ trợ một dự án về quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và thành lập quỹ quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp để hỗ trợ phát triển các phương pháp tiếp cận và công cụ đổi mới nhằm quản lý thiên tai. Chúng tôi thực sự hy vọng sẽ có thêm các dự án thích ứng và gia tăng sức chống chịu hơn nữa đối với Việt Nam. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn một số kế hoạch để thực hiện điều đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số hợp tác tuyệt vời về an ninh lương thực và chính sách thương mại. Chúng tôi mong muốn có thể có nhiều dự án hơn trên lĩnh vực đó.

*Phóng viên: Theo thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), các nước G7, bao gồm cả Canada, đang huy động 15,5 tỷ USD từ khu vực tư nhân và Chính phủ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Xin bà cho biết về kế hoạch hỗ trợ của Canada để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

*Đại sứ Catherine Stewart: Như tôi đã đề cập với chương trình tài chính khí hậu của Canada, quá trình chuyển đổi năng lượng là một thành phần rất quan trọng trong đó. Ví dụ, Canada, vào năm 2019, đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua khoản đóng góp 15 triệu USD cho Ngân hàng Phát triển Châu Á để hỗ trợ dự án năng lượng mặt trời nổi đầu tiên của Việt Nam.

Sau đó, tại COP 26, chúng tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 và cam kết loại bỏ dần việc sản xuất điện bằng than vào năm 2040. Vì vậy, với cam kết đó, chúng tôi rất vui mừng rằng cộng đồng quốc tế, thông qua Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG), đã có thể hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Tôi cảm thấy đây là một ví dụ điển hình cho thế giới về cách các quốc gia có nhu cầu lớn về giảm lượng khí thải có thể cùng nhau lên kế hoạch để thực hiện điều đó.

Chúng tôi có một số dự án trong vài năm tới mà chúng tôi mong muốn thực hiện để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm 50 triệu USD mà chúng tôi đã chuyển cho Ngân hàng Thế giới cũng như những nỗ lực trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hiệp hội Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á.

Vì vậy, một số dự án này sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực quản lý, xây dựng năng lực cũng như phân tích để có thể tiếp tục quá trình chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi cũng đã đầu tư một tỷ đô la vào quỹ đầu tư khí hậu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hoàn toàn. Chúng tôi mong muốn sử dụng một phần nguồn tài trợ mà chúng tôi đã dành để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục triển khai JETP này và bắt đầu thực hiện một số dự án.

*Phóng viên: Canada đã thúc đẩy sáng kiến định giá carbon toàn cầu nhằm tạo diễn đàn cho các quốc gia đã thành lập thị trường carbon cũng như các quốc gia quan tâm đến vấn đề này trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu 60% lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ được định giá vào năm 2030. Vậy, xin bà cho biết, Canada đang làm gì để hỗ trợ các nước khác, trong đó có Việt Nam, xây dựng và thực hiện công cụ định giá carbon?

*Đại sứ Catherine Stewart: Một trong những điều tôi làm khi ở đây là ủng hộ sáng kiến định giá carbon toàn cầu, do Thủ tướng Canada Justin Trudeau khởi xướng vài năm trước. Đây thực sự là một sáng kiến nhằm mục đích nâng cao giá trị của việc định giá carbon như một công cụ chính sách có thể giảm lượng khí thải một cách hiệu quả, thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và khả năng chi trả. Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác cho sáng kiến này và chúng tôi thực sự mong đợi, hy vọng Việt Nam sẽ sớm tham gia sáng kiến này.

Như các bạn đã biết, mục đích của sáng kiến là giảm lượng khí thải toàn cầu theo chế độ định giá carbon. Hiện tại, chúng ta có khoảng 23% lượng khí thải toàn cầu được áp dụng một số chế độ định giá carbon. Chúng tôi muốn nâng tỷ lệ đó lên 60% vào năm 2030. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ cho mục tiêu đó và thu hút nhiều đối tác hơn, chứng tỏ rằng khả năng toàn cầu có thể thực hiện được điều đó.

Một cơ hội khác trong sáng kiến định giá carbon toàn cầu là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và giúp các quốc gia xây dựng năng lực và khả năng kỹ thuật để có thể quản lý việc định giá carbon. Chúng tôi thực sự mong muốn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật đó cho Việt Nam cũng như cho các quốc gia khác quan tâm đến việc triển khai hệ thống định giá carbon của riêng họ. Có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức cũng như cơ hội được chia sẻ các bài học kinh nghiệm cũng như các phương pháp thực hành tốt nhất về định giá carbon. Đây là lĩnh vực mà chúng tôi thấy Việt Nam đóng vai trò chủ chốt khi mà Việt Nam đã triển khai hệ thống mua bán khí thải và đóng vai trò chủ đạo về lĩnh vực này trong khối ASEAN. Đó là lý do tại sao Thủ tướng Canada Trudeau rất mong muốn Việt Nam tham gia sáng kiến này. Chúng tôi thực sự mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục