Canada chào đón lao động nước ngoài muốn 'nhảy việc' khỏi Mỹ

07:47' - 08/07/2020
BNEWS Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh ngưng cấp một số visa lao động cho người nước ngoài cho đến cuối năm 2020, Canada đã bật đèn xanh để chào đón nhân lực tài năng ngoại quốc.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong tháng 6 từng phát biểu: “Nếu bạn không muốn tới Mỹ, hãy đến với chúng tôi, Canada sẽ đón nhận bạn”.
Tờ Nikkei Asian Review đánh giá Canada giống như nhiều quốc gia khác, cũng có tham vọng hình thành trung tâm công nghệ riêng. Canada đang nỗ lực thu hút các chuyên gia tài năng qua hệ thống nhập cư “thân thiện”.
Thủ tướng Trudeau từng nói: “Nếu muốn đưa ai đó tới đảm nhận công việc công nghệ cao hoặc có giá trị ở công ty của bạn, chúng tôi sẽ trao cho bạn visa trong 2 tuần để mang họ tới. Bất kể điều gì xảy ra tại Mỹ, Canada vẫn chào đón và vui mừng về những người đang tới”.
Lời đề nghị của Thủ tướng Trudeau đã tạo ảnh hưởng.
Kỹ sư công nghệ người Trung Quốc Alex Lu (26 tuổi) hiện đang làm việc ở San Francisco (Mỹ) đã đặt một số cuốn sách trong những ngày gần đây để học Hệ thống Kiểm tra Tiếng Anh Quốc tế (IELTS)
Alex Lu dự kiến chuyển đến Canada trong 2 năm tới. Mặc dù Alex Lu khá thành thạo tiếng Anh nhưng việc làm bài kiểm tra IELTS là một trong những điều kiện để được cư trú dài hạn tại Canada.
Đến Mỹ du học từ năm 14 tuổi và đang giữ visa làm việc H-1B, Alex Lu cho biết anh luôn lên kế hoạch để có thể sống lâu dài tại Mỹ. Nhưng tin tức gần đây về quyết định của Tổng thống Trump khiến kế hoạch của anh trở nên “không thực tế”.
Alex Lu nói: “Đến nay tôi mới chỉ chịu ảnh hưởng về đi lại bởi không thể rời Mỹ hoặc được quay trở lại. Nhưng chẳng ai có thể nắm được chính sách tiếp theo sẽ là gì nếu ông Trump tái đắc cử. Đến khi đó tôi có thể buộc phải rời Mỹ”.
Kế hoạch ban đầu của Alex Lu, giống như những người nắm giữ visa H-1B khác, là được xét duyệt thẻ xanh tại Mỹ. Tuy nhiên, khi chiếc thẻ xanh ngày càng xa vời, Alex Lu liền tìm kiếm lựa chọn khác.
Alex Lu nói: “Canada có vẻ rất thu hút với thủ tục nhập cư đơn giản hơn và có cộng đồng người gốc châu Á lớn. Hơn nữa, khác biệt về múi giờ và khoảng cách bay giữa Canada cùng California là không quá tồi tệ. Tôi có thể duy trì công việc ở công ty hiện tại”.

Alex Lu không phải là trường hợp duy nhất. Ngày càng có nhiều lao động châu Á làm việc trong ngành công nghệ cân nhắc rời Mỹ. Việc ngừng cấp H-1B và một số visa lao động khác ảnh hưởng rất nhiều tới cộng đồng người châu Á tại Mỹ.
Trong tài khóa 2019, có trên 420.000 người đệ đơn để được nằm trong danh sách 85.000 trường hợp nhận visa H-1B. Theo Cơ Quan Di Trú và Nhập Tịch Mỹ, trong số này có 74,5% là công dân Ấn Độ, 11,8% là người Trung Quốc.
Theo nghiên cứu gần đây của ứng dụng Blind, trong 1.145 lao động H-1B có khả năng chịu tác động từ quyết định của Tổng thống Trump, có tới 34% muốn tìm việc ở quốc gia khác, 24% cho biết họ sẽ quay trở về nhà. Trong nhóm dự định tìm cơ hội mới ở nước khác, có tới 39% để mắt đến Canada.
CEO của MobSquad, công ty chuyên về chuyển lao động công nghệ từ Mỹ đến Canada, ông Irfhan Rawji nhận định: “Chúng tôi nhận được những cuộc gọi và đề nghị tăng đột biến từ các kỹ sư phần mềm tại Mỹ sau khi quyết định của Tổng thống Trump được công bố”.
Theo ông Irfhan Rawji, xu hướng lao động chuyển từ Thung lũng Silicon (Mỹ) tới Canada không phải là điều mới mẻ. Nhưng tình trạng phản đối nhập cử gần đây, đặc biệt là phân biệt chủng tộc với người châu Á do dịch COVID-19, đã khiến xu hướng này gia tăng.
Ông Irfhan Rawji nói: “Tại Mỹ, có thể mất từ 20-30 năm để bạn nhận được thẻ xanh bởi hạn chế đối với thời gian và quốc tịch của bạn. Nhưng những kỹ sư phần mềm có thể được cư trú dài hạn tại Canada chỉ trong 12 tháng hoặc ít hơn”.
Điều này phần lớn bắt nguồn từ hỗ trợ của chính phủ Canada đối với lao động công nghệ, đặc biệt là chương trình có tên gọi Global Talent Stream chuyên ưu tiên nhập cảnh cho lao động kỹ năng tay nghề cao.
Chính vì hỗ trợ này, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Facebook, Twitter và Amazon đã lập văn phòng tại Canada để thuê được thêm lao động nước ngoài mà không phải lo lắng về vấn đề visa.
Quebec, tỉnh dẫn đầu Canada về tuyển dụng nhân lực công nghệ, trong năm 2019 đã tiếp nhận hơn 5.000 kỹ sư máy tính và phần mềm được phép làm việc ngắn hạn, tăng 37% so với năm 2018.
Cùng thời điểm, các công ty công nghệ Canada lại tìm cơ hội để săn đón nhân lực tài năng từ Thung lũng Silicon.
Ông Rawji phân tích: “Thung lũng Silicon là cơ hội số một đối với lao động công nghệ trên thế giới. Nhưng ngày càng có nhiều công ty chuyển nhân sự từ Thung lũng Silicon tới Canada bởi họ không thể tuyển người làm việc ở New York hoặc San Francisco do vấn đề visa”.
Nhưng Canada không phải là quốc gia duy nhất kỳ vọng thu được lợi ích từ tình trạng người lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ muốn “nhảy việc”. Qua khảo sát của Blind, có 30% người tham gia cho biết họ sẽ tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia châu Á nếu buộc phải rời Mỹ vì vấn đề visa.
Wang Qing (29 tuổi) người Thượng Hải chia sẻ dự định trong tháng 7 sẽ quay trở về Trung Quốc sau khi cô nhận được đề nghị từ một công ty công nghệ khởi nghiệp. Wang vốn có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở Google và Facebook, bày tỏ rằng cô quyết tâm quay trở về Trung Quốc sớm nhất có thể nếu mua được vé máy bay.
Wang đảm nhận công việc liên quan đến trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực nhạy cảm đối với Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia. Do vậy, cô sẽ gặp nhiều trở ngại hơn để gia hạn visa vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.
Một nghiên cứu gần đây của công ty MacroPolo cho thấy 69% nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo làm việc tại các viện của Mỹ đều tốt nghiệp đại học ở những quốc gia khác. Trong đó có 27% cử nhân Trung Quốc.
Ngay cả những nhân lực không phải lo lắng về visa cũng chủ trương muốn rời Mỹ. Họ cho rằng quyết định của Tổng thống Trump đối với visa H-1B là dấu hiệu cho thấy thái độ từ Nhà Trắng đối với người nhập cư, khiến họ cảm thấy không được chào đón.
Dưới thời Tổng thống Trump, tính riêng trong tài khóa 2019, số visa cấp cho người nhập cư tạm thời là 8,7 triệu, năm giảm thứ 4 liên tiếp bởi con số này trong tài khóa 2015 là 10,9 triệu. Tỷ lệ từ chối visa H-1B cũng tăng gấp 3 lần, lên tới 33% trong tài khóa 2019. Có nhiều lo ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục