Canada: Đa dạng hóa đối tác thương mại thông qua TPP 2.0

06:30' - 08/11/2017
BNEWS Việc hồi sinh TPP đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích thương mại trong tương lai của Canada, nhất là khi những cuộc tái đàm phán NAFTA đang trong tình trạng hỗn loạn.
Các nước thành viên TPP thúc đẩy đàm phán ở Australia tháng 8/2017. Ảnh: TTXVN

Trước nguy cơ sụp đổ các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Canada buộc phải tìm kiếm các đối tác thương mại mới. Mặc dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 thành viên còn lại vẫn sẽ cam kết tiến hành đàm phán thỏa thuận này trong Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11.

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Quốc tế François-Philippe Champagne do tờ The Globe and Mail thu thập được, Hội đồng Kinh doanh Canada tuyên bố rằng TPP với 11 thành viên sẽ có lợi hơn cho Canada so với hiệp định ban đầu.

Đó là bởi vì Canada sẽ có cơ hội tiếp cận Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và các thị trường khác trong khuôn khổ TPP, trong khi mối quan hệ thương mại với Mỹ vẫn bị đóng băng.

Một báo cáo gần đây của Quỹ miền Tây Canada đã chỉ ra rằng quyết định phê chuẩn TPP sẽ cho phép các nhà sản xuất thịt bò của Canada được xuất khẩu miễn thuế vào thị trường Nhật Bản, trong khi các đối thủ cạnh tranh của Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 50%.

Không những thế, Canada cũng sẽ có quyền tiếp cận với các thị trường mới quan trọng như Malaysia và Việt Nam. Nếu Mexico cũng phê chuẩn TPP, đây sẽ là một thông điệp cho Mỹ rằng hai thành viên của NAFTA vẫn sẽ theo đuổi tự do thương mại ngay cả khi người Mỹ không tham gia.

Hiệp định vẫn sẽ được giữ nguyên vẹn và luôn sẵn sàng nếu Tổng thống Donald Trump quyết định quay trở lại. Với phiên bản TPP 2.0, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải chịu thiệt thòi khi những quốc gia khu vực Thái Bình Dương tiếp tục hạ thấp rào cản thương mại. Và người thụ hưởng cuối cùng sẽ là Trung Quốc.

Khi Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau thực hiện các đề xuất của Trung Quốc để phát triển quan hệ thương mại song phương, sự phản đối của dư luận đã không còn mạnh mẽ như trước.

Trung Quốc được coi là đối thủ chiến lược của các quốc gia phương Tây ở khu vực Thái Bình Dương, tuy nhiên, Canada và các đồng minh khác của Mỹ chẳng có sự lựa chọn nào khác nếu chính quyền Donald Trump tiếp tục gây khó dễ trong việc phát triển mối quan hệ thương mại.

Canada có thể đa dạng hóa đối tác thương mại thông qua TPP 2.0. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Perrin Beatty, người đứng đầu Phòng Thương mại Canada, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu Mỹ không tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại thì các quốc gia khác sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc tìm kiếm giải pháp thay thế. Nếu hiệp định TPP được thông qua, Canada sẽ có một vị trí lợi thế hơn khi bắt đầu đàm phán thương mại với Trung Quốc vào năm tới.

Mục đích ban đầu của TPP là tạo ra một khối thương mại không bao gồm Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền lực của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tổng thống Trump đã từ bỏ lợi thế đó bằng việc rút khỏi TPP, trong khi các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương vẫn muốn hồi sinh thỏa thuận này để cùng nhau đạt được lợi ích. Nhưng rõ ràng là TPP không thể thay thế cho NAFTA.

Sự kết thúc của hiệp định thương mại tự do ở Bắc Mỹ sẽ là một tai họa cho Canada, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và phá hoại đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Không có hiệp định thương mại với các nước châu Âu hoặc châu Á nào có thể thay thế cho đặc quyền tiếp cận với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo bài viết, những thế lực xây dựng nên chính quyền Trump và Brexit cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở châu Âu cần phải được xóa bỏ. Bất bình đẳng về thu nhập trong nền kinh tế tri thức cũng cần được điều chỉnh, nếu không nó sẽ thúc đẩy căng thẳng giữa các chủng tộc, giai cấp và phá hoại các nền dân chủ.

Tuy nhiên, Canada và 10 thành viên khác của TPP - bao gồm Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - vẫn nên tiếp tục hợp tác với nhau.

Có thể một ngày nào đó, Mỹ, Trung Quốc và cả Ấn Độ cũng sẽ tham gia TPP, các khu vực thương mại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có thể cũng sẽ hợp nhất thành một hiệp định thương mại toàn cầu mới. Nhưng ngay bây giờ, đây là một hy vọng xa vời.

Cho đến khi xu hướng toàn cầu hoá tiếp tục được các quốc gia thúc đẩy, hiệp định TPP là tất cả những gì Canada có thể theo đuổi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục