Canada đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu dầu sang Trung Quốc
Đây được coi là nhiệm vụ chính của Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jim Carr. Phát biểu trước các cử tọa gồm các nhà đầu tư và nhà quản lý năng lượng của Trung Quốc, Bộ trưởng Jim Carr nhấn mạnh: “Chúng tôi cần mở rộng thị trường xuất khẩu cho tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Đó là lý do vì sao Trung Quốc rất quan trọng đối với Canada và vì sao chúng tôi chấp thuận mở rộng đường ống dẫn dầu từ tỉnh Alberta tới bờ Tây để từ đó xuất đi châu Á”.
Thông điệp này cũng đã được ông Carr nhắc lại nhiều lần trong những cuộc gặp với các đối tác Trung Quốc. Ông khẳng định Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau muốn vận chuyến dầu thô về tỉnh British Columbia ở bờ Tây, bất chấp sự phản đối dữ dội của liên minh giữa đảng Dân chủ mới (NDP) và đảng Xanh (GP) ở tỉnh này.
“Chính phủ Canada cam kết theo đuổi dự án mở rộng tuyến đường ống Xuyên núi (Trans Mountain). Chúng tôi tin rằng dự án này phù hợp với các lợi ích quốc gia như tạo việc làm và mở rộng các thị trường xuất khẩu”, ông nói.
Tại các cuộc họp trong khuôn khổ một diễn đàn cấp bộ trưởng về năng lượng sạch, ông Carr cũng bày tỏ ủng hộ sử dụng cơ chế thu giữ carbon và nhấn mạnh tiềm năng của Canada trong xuất khẩu công nghệ sạch.
Những tuyên bố này của ông dường như trái ngược với việc Canada đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu dầu và khí đốt sang Trung Quốc, và có vẻ như hiện cả hai nước đều chưa có ý định sẽ sớm từ bỏ năng lượng hóa thạch.
“Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng dầu xuất khẩu của chúng tôi và chưa nhập khẩu khí thiên nhiên của Canada. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó”, ông Carr nói và không quên khẳng định Canada và Trung Quốc là “những đối tác hoàn hảo”, cùng hướng tới nền kinh tế carbon thấp dù đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cách tiếp cận của ông Carr đang gây nhiều tranh cãi tại Canada, nhất là trong nhóm nhà bảo vệ môi trường. Họ cho rằng Canada đang kỳ công đầu tư nguồn lực chính trị và tài chính vào một sản phẩm có thể Trung Quốc sẽ không cần đến trong vài năm tới, bởi Bắc Kinh đang đặt nền móng cho một tương lai ít carbon hơn.
Đó là chưa kể tới những cam kết cắt giảm khí thải carbon trong Hiệp định khí hậu Paris mà cả Canada và Trung Quốc đều đang muốn nắm giữ vai trò cầm trịch sau quyết định rút lui của Tổng thống Donald Trump.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về dầu mỏ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng và đến đầu những năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Sự phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu ở Trung Quốc sẽ tăng từ mức 65% hiện nay lên 80% trong một thập kỷ tới. Điều đó đồng nghĩa với việc “Trung Quốc sẽ phải cố gắng đa dạng hóa nhu cầu dầu mỏ của mình”, ông BoQiang Lin, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nhận định.
Tuy nhiên, việc suy giảm nguồn cung từ những thị trường như Venezuela đang khiến Trung Quốc ngày càng khát dầu nặng, cùng loại dầu được chiết suất từ cát dầu của Canada. “Canada nhận thấy nhu cầu đối với loại dầu thô này và họ có thể lấp vào chỗ đó”, ông Sushant Gu - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie - cho biết.
Theo ông Gu, việc mở rộng hệ thống đường ống dẫn dầu Xuyên núi từ tỉnh Alberta tới British Columbia sẽ giúp Canada xuất cảng khoảng 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang châu Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, bắt đầu từ sau năm 2020. Các nhà sản xuất của Canada chắc chắn cũng sẽ kiếm được lợi nhuận cao hơn từ Trung Quốc.
Có một vấn đề đặt ra là các kế hoạch mở rộng đường ống dẫn dầu của Canada đang phải đối mặt với một bối cảnh thay đổi mới. Canada đang chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các nguồn cung dầu mỏ rẻ hơn và lớn hơn từ quốc gia láng giềng phía Nam.
“Cung sẽ vượt cầu, và vì thế Trung Quốc sẽ không cần phải mua dầu của chúng ta”, ông Mark Jaccard, một học giả tại Đại học Simon Fraser và là người từng làm việc tại Hội đồng Hợp tác Quốc tế về Môi trường và Phát triển, cảnh báo.
Trong tuyên bố gần đây, IEA cho biết sẽ cho đánh giá lại các dự báo về nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu dựa trên những nỗ lực chuyển đổi của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc thay thế dần các phương tiện chạy xăng.
Đầu tháng này, New Delhi cam kết sẽ chỉ bán xe chạy điện từ năm 2030. Trung Quốc, quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và lắp đặt năng lượng gió và Mặt Trời, cũng bày tỏ hy vọng sẽ bán được khoảng 7 triệu xe chạy bằng năng lượng sạch vào năm 2025.
Theo ông Tim Buckley thuộc Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng, nhu cầu về dầu mỏ trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng đến năm 2040 theo đúng như dự báo của IEA, nhưng nhu cầu đối với từng loại năng lượng sẽ thay đổi.
“Chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên chuyển đổi công nghệ sáng tạo và sẽ có rất nhiều người bị mất mát trong quá trình này”, ông Buckley nói.
Hiện Trung Quốc có hai lý do đủ sức nặng cho việc từ bỏ sử dụng xăng. Thứ nhất là mong muốn giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập ngoại. Thứ hai là tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về thế hệ xe sử dụng năng lượng sạch.
Bà Merran Smith, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Năng lượng Sạch Canada, dự báo thế giới “sẽ ngừng sử dụng xe chạy xăng và chuyển sang xe chạy điện và các loại năng lượng phi carbon khác”.
Theo bà, những nước đi đầu về công nghệ năng lượng sạch sẽ là những nước chiến thắng và những nước không tiên phong trong chuyển đổi năng lượng sạch sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu, Bộ trưởng Carr từng nói rằng các nước nên sử dụng nguồn tiền thu được từ năng lượng truyền thống để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang các loại năng lượng tái tạo. Theo ông, đây là một quá trình chuyển đổi và cần có thời gian.
Hiện tại, Canada đang có 11 công ty nằm trong danh sách 100 công ty công nghệ sạch toàn cầu. Mỹ có 52 công ty, Anh có 7 công ty, trong khi Trung Quốc chỉ có 2. Bộ trưởng Carr cũng cho biết Canada luôn chú trọng trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua việc cân đối giữa đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô với tăng cường đầu tư cho sáng kiến bảo vệ đại dương và theo đuổi cam kết cắt giảm khí thải.
“Chúng tôi làm việc với các chính quyền địa phương trên toàn quốc để hướng tới việc đạt được mục tiêu chung. Vì thế tôi không hề thấy có gì mâu thuẫn trong hướng đi (đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô) này cả”, ông quả quyết./.
Tin liên quan
-
Kinh tế & Xã hội
Canada cảnh báo nguy cơ tấn công mạng trong các cuộc bầu cử
07:49' - 17/06/2017
Cơ quan gián điệp điện tử của Canada ngày 16/6 đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng các vụ tấn công mạng gây ảnh hưởng hoặc làm suy yếu quy trình bầu cử ở nước này và đưa ra biện pháp ngăn chặn.
-
Kinh tế Thế giới
Canada với tham vọng trở thành “Thung lũng Silicon” về nông nghiệp
05:30' - 23/05/2017
Tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh cùng những tác động xấu của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến hoạt động sản xuất lương thực - thực phẩm ngày càng trở nên khó khăn.
-
Kinh tế Thế giới
Canada lên kế hoạch áp thuế khí thải carbon từ năm 2018
14:28' - 19/05/2017
Chính phủ Canada ngày 18/5 đã công bố kế hoạch áp thuế carbon trong 5 năm từ 2018-2022.
-
Kinh tế Thế giới
Thêm EU quan ngại về cơ chế mới của Canada liên quan ngành sữa
17:01' - 05/05/2017
Sau Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức lên tiếng phàn nàn về cơ chế định giá thành phần bơ sữa gây tranh cãi mới đây của Canada.
-
Kinh tế Thế giới
Cuộc chiến thương mại Canada - Mỹ: Thủ tướng Justin Trudeau tỏ thái độ kiên quyết
10:44' - 26/04/2017
Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định kiên quyết bảo vệ các lợi ích thương mại của Canada, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Canada gia tăng trong lĩnh vực gỗ mềm.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Indonesia tăng nhập khẩu từ Mỹ, giảm đơn hàng từ các nước khác
21:37' - 18/04/2025
Indonesia sẽ tăng nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa của Mỹ, đồng thời giảm đơn đặt hàng từ các nước khác. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tại Washington ngày 18/4.
-
Kinh tế Thế giới
Thúc đẩy Hiệp định khung kinh tế số ASEAN hướng tới mục tiêu 2 nghìn tỷ USD
16:21' - 18/04/2025
Với tiềm năng nền kinh tế số ASEAN có thể đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030, Malaysia với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2025 đang nỗ lực thúc đẩy triển khai Hiệp định khung kinh tế số ASESAN.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản lo ngại thuế quan Mỹ tác động tiêu cực tới xuất khẩu nông sản
15:11' - 18/04/2025
Chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi khiến giới chức Nhật Bản lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực mở rộng xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang thị trường Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc thúc đẩy sử dụng dịch vụ nội địa
14:35' - 18/04/2025
Nhằm kích thích mạnh mẽ nhu cầu trong nước, Trung Quốc công bố nhiều biện pháp mới và toàn diện, tập trung vào việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ nội địa.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ giảm phí cảng cho tàu Trung Quốc sau phản ứng của ngành hàng hải
14:24' - 18/04/2025
Mỹ vừa công bố các khoản phí cảng sửa đổi đối với tàu do Trung Quốc đóng và vận hành đã được giảm nhẹ đáng kể so với đề xuất hồi tháng Hai.
-
Kinh tế Thế giới
USTR đề xuất áp thuế mới với thiết bị hàng hải Trung Quốc
11:05' - 18/04/2025
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đề xuất áp thuế bổ sung lên tới 100% với cần cẩu STS và các thiết bị bốc dỡ hàng hóa Trung Quốc hoặc từ nước thứ ba nhưng do doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ D. Trump tự tin sẽ sớm có thoả thuận thương mại với EU
10:25' - 18/04/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin về việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), khi cho rằng “sẽ có thỏa thuận thương mại, 100%” trước khi kết thúc thời hạn 90 ngày.
-
Kinh tế Thế giới
Điện đàm giữa Tổng thống Mexico và Tổng thống Mỹ đạt hiệu quả
10:05' - 18/04/2025
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump nhằm thúc đẩy khả năng đạt thỏa thuận song phương hai nước.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
09:26' - 18/04/2025
Tổng thống Donald Trump kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận tích cực nhằm giảm nhiệt cuộc chiến thương mại kéo dài.