Canada gia hạn gói cứu trợ khẩn cấp

14:08' - 21/08/2020
BNEWS Sau khi nới lỏng quy định, chương trình trợ cấp thất nghiệp, dự kiến bắt đầu vào ngày 27/9 tới, sẽ hỗ trợ cho khoảng 400.000 người vốn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định cũ.

Ngày 20/8, Canada thông báo gia hạn thêm 4 tuần trợ cấp cho những người bị mất việc làm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời nới lỏng các quy định về việc xin trợ cấp thất nghiệp.

Giới chức Canada ước tính chi phí cho các biện pháp trên vào khoảng 37 tỷ CAD (28 tỷ USD) trong một năm. Khoảng 4,5 triệu người dân Canada, chiếm 12% dân số nước này, đang nhận trợ cấp 2.000 USD/tháng trong gói hỗ trợ khẩn cấp này. Chương trình dự kiến kết thúc trong tháng này.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Canada đã lên mức kỷ lục 13,7% trong tháng 5 vừa qua, trước khi giảm xuống 10,7% trong tháng 7. Việc Chính phủ Canada nới lỏng lệnh phong tỏa đã giúp nhiều doanh nghiệp nối lại hoạt động và hàng triệu người đi làm trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn.

Sau khi nới lỏng quy định, chương trình trợ cấp thất nghiệp, dự kiến bắt đầu vào ngày 27/9 tới, sẽ hỗ trợ cho khoảng 400.000 người vốn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định cũ, bao gồm các nhân viên hợp đồng và lao động tự do.

Người dân cũng sẽ được nhận tiền nghỉ ốm, tiền hỗ trợ chi phí chăm sóc con khi các trường học đóng cửa, mặc dù phần lớn các trường sẽ mở lại vào tháng 9 tới.

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh thông qua việc hỗ trợ người dân mất việc do dịch bệnh, chính quyền đang nỗ lực đảm bảo duy trì giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh.

Các thay đổi về quy định bảo hiểm thất nghiệp cần được Quốc hội Canada thông qua khi hoạt động trở lại vào ngày 23/9. Trước đó, Thủ tướng Justin Trudeau ngày 18/8 thông báo tạm ngừng các hoạt động của Quốc hội tới ngày 23/9 - thời điểm đảng Tự do của ông sẽ công bố chương trình hành động của chính phủ.

Trong khi đó, Chính phủ Peru thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái do các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Peru đã áp đặt các biện pháp hạn chế trong suốt quý II và hiện đã dỡ bỏ các biện pháp tại phần lớn các khu vực trên cả nước kể từ ngày 1/7. Theo Viện Thống kê và Thông tin nhà nước Peru, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi các biện pháp này bao gồm khai mỏ (giảm 20,9%), chế biến (giảm 44,5%) và dịch vụ (giảm 28,3%).

Cuối tuần qua, viện trên cho biết GDP của Peru đã giảm 17% trong 6 tháng đầu năm 2020, theo đó kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái. Kinh tế Peru đã tăng trưởng tốt cho đến khi dịch bùng phát, khiến kinh tế tê liệt trong hơn 100 ngày và giảm công suất hoạt động xuống còn 44%.

Ngân hàng trung ương Peru dự báo GDP sẽ giảm 12,5% trong năm 2020, sụt giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2% năm 2019 và 4% trong năm 2018.

Peru là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh, với hơn 550.000 ca nhiễm và 26.800 ca tử vong.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tuyên bố nợ công của nước này sẽ tăng trong năm 2021 khi chính phủ áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Trả lời phỏng vấn của báo giới, Bộ trưởng Scholz nhấn mạnh vào năm tới, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục buộc phải đình chỉ quy định về nợ và chi tiêu mạnh tay để bảo vệ sức khỏe của người dân và ổn định nền kinh tế.

Ông Scholz đã lên kế hoạch vay khoảng 218 tỷ euro (258 tỷ USD) trong năm nay để chi trả cho gói cứu trợ khổng lồ nhằm đưa đất nước vượt qua dịch bệnh. Trước đó, Chính phủ Đức đã cam kết chi hơn 1.000 tỷ euro (1.187 tỷ USD) để bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi tác động của dịch bệnh thông qua các khoản vay, viện trợ và chương trình hỗ trợ khác.

Ông dự báo vào đầu năm 2022, kinh tế Đức sẽ phục hồi và trở về mức bình thường như trước khi khủng hoảng xảy ra.

So với các nước láng giềng khác, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này chịu tác động nhẹ hơn trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng cũng ghi nhận GDP giảm 10,1% trong quý II, sau khi giảm 2% trong quý I./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục