Canada, Mexico yêu cầu lập hội đồng trọng tài giải quyết xuất xứ phụ tùng ô tô

08:25' - 27/12/2021
BNEWS Canada có kế hoạch chính thức cùng Mexico yêu cầu triệu tập một hội đồng trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp với Mỹ về cách giải thích các quy tắc quản lý xuất xứ phụ tùng ô tô.

Dự kiến trong những ngày đầu tiên của tháng 1/2022, Canada và Mexico sẽ yêu cầu thành lập một tòa án gồm các chuyên gia để ra phán quyết về vấn đề này trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, mà Mỹ gọi Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Hiện Văn phòng Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Xung đột tập trung vào sự khác biệt về cách tính tỷ lệ phần trăm của một chiếc xe có sự "góp mặt" của cả ba quốc gia. Ban hội thẩm có nhiệm vụ quyết định xem việc áp dụng các quy tắc xuất xứ của Mỹ có trái với USMCA hay không. Quy trình của ban hội thẩm sẽ kết thúc sớm nhất vào đầu tháng 7/2022.
Nếu tòa án phát hiện Mỹ vi phạm các điều khoản của USMCA, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ có nghĩa vụ tìm kiếm một giải pháp thương lượng. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Canada và Mexico có thể áp đặt “đình chỉ lợi ích” tương đương, chẳng hạn như đánh thuế quan cao hơn.
Ban hội thẩm là bước tiếp theo được phép theo cơ chế giải quyết tranh chấp của USMCA, sau khi các cuộc thảo luận giữa Mexico và Mỹ không giải quyết được bất đồng. Hiện Thủ tướng Justin Trudeau đang phải đối mặt với áp lực lớn từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp - đặc biệt là từ ngành công nghiệp ô tô - yêu cầu Ottawa phải có biện pháp quyết liệt hơn chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ.
Trong vài tuần gần đây, Canada và Mỹ đã xung đột về nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc cấp thêm khoản khấu trừ thuế cho các loại xe điện do công nhân Mỹ sản xuất. Ở chiều ngược lại, Mỹ phản đối đề xuất của Canada về việc đánh thuế đối với những “gã khổng lồ” công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Việc Mỹ tăng thuế đối với gỗ xẻ mềm của Canada cũng đang gây mâu thuẫn giữa hai đồng minh này.
Tuần trước, Thủ tướng Trudeau đã chỉ thị các quan chức hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế có lập trường cứng rắn hơn về các vấn đề thương mại trong bối cảnh tranh chấp ngày càng tăng với Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục