Canada tăng 50% mức đóng góp tài chính cho Quỹ khí hậu xanh

09:54' - 13/07/2023
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 12/7, Canada cam kết đóng góp 450 triệu CAD (342,5 triệu USD) cho quỹ của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Tuyên bố này do Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Canada Steven Guilbeault đưa ra tại Brussels (Bỉ) chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP28) năm nay.

Cam kết của Canada thể hiện sự quyết tâm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Bộ trưởng Guilbeault nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tài trợ từ tất cả các nguồn, bao gồm từ các quốc gia khác và khu vực tư nhân để giải quyết thỏa đáng thách thức khí hậu.

 

Ông Guilbeault nêu rõ con số trên sẽ tăng thêm 50% so với cam kết trước đây của Canada đối với Quỹ khí hậu xanh của LHQ. Chính phủ Canada sẽ đưa ra kế hoạch riêng trong vài tuần tới để loại bỏ trợ cấp nội địa không hiệu quả đối với nhiên liệu hóa thạch, biện pháp vốn bị xem là cản trở sự phát triển của năng lượng sạch.

Trước thềm COP28 ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), những câu hỏi xung quanh vấn đề tài chính đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận về cách thức cắt giảm khí thải CO2. Các quốc gia nghèo hơn lo ngại không thể cắt giảm khí thải, nếu không có thêm sự hỗ trợ để đối phó với chi phí gia tăng từ các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Các nước thu nhập cao dự kiến sẽ thực hiện cam kết trong năm nay là huy động 100 tỷ CAD (75,8 tỷ USD) để tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu, chậm hơn 3 năm so với những cam kết ban đầu. Tuy nhiên, cam kết này không đáp ứng được nhu cầu thực sự của các nước nghèo hơn trước tình trạng hạn hán, lũ lụt và cháy rừng ngày càng nghiêm trọng.

Tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ giới hạn ở các nước đang phát triển mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia giàu có hơn như Canada, hiện đang trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của nước này.

Trước những thách thức về tài chính khí hậu, các quốc gia dễ bị tổn thương đang tìm kiếm các phương án tài trợ thay thế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục