Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran gây sức ép lớn với chứng khoán châu Á

14:03' - 04/01/2016
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên đầu tiên chào Năm mới 2016 trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Saudi Arabia và Iran.
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran gây sức ép lớn với chứng khoán châu Á. Ảnh: THX-TTXVN

Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên đầu tiên chào Năm mới 2016 trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Saudi Arabia và Iran liên quan đến việc Riyadh xử tử ông Nimr al-Nimr, một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite.

Bên cạnh đó, thị trường còn bị tác động bởi số liệu kinh tế tháng 12/2015 kém khả quan của Trung Quốc.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,59% xuống còn 18.541,41 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,4% xuống 1.934,77 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,1% xuống 21.457,70 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải thoái lui 3,8% xuống 3.405,23 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm nhẹ 0,3% xuống 5.282,80 điểm. Các thị trường chứng khoán tại Đài Loan và Đông Nam Á cũng đồng loạt đi xuống trong phiên này.

Căng thẳng giữa hai cường quốc xuất khẩu dầu Saudi Arabia và Iran bùng lên sau việc ngày 2/1 nhóm người quá khích ở thủ đô Tehran và thành phố Mashhad, Iran, đốt phá Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia tại đây liên quan tới việc Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr al-Nimr - nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia.

Diễn biến này, theo ông Ric Spooner, chuyên gia phân tích hàng đầu tại CMC Markets, đã đẩy giá dầu tăng. Giới đầu tư vội quay sang tìm kiếm các tài sản đảm bảo như USD và yen và đây chính là nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán châu Á trong phiên khai Xuân.

Bên cạnh đó, thị trường cũng bị chi phối bởi số liệu kinh tế kém khả quan từ cường quốc lớn thứ hai thế giới, cho thấy nền kinh tế này vẫn ì ạch.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 12/2015 đứng ở mức 49,7, tăng nhẹ so với mức 49,6 của tháng 11/2015 (là mức thấp nhất trong ba năm qua).

Tuy vậy, số liệu này vẫn dưới ngưỡng 50 (mốc phân định giữa suy giảm và tăng trưởng), cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc vẫn suy giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục