Căng thẳng Mỹ-Trung dịu bớt có thể cứu hàng triệu việc làm

09:32' - 13/12/2018
BNEWS Khi có sự thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia do căng thẳng thương mại, hàng chục triệu người sẽ bị mất việc làm.

Bộ phận phát triển khu vực thuộc Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) ngày 12/12 công bố “Báo cáo thương mại và đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2018” cho hay việc giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cứu hàng triệu việc làm trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires, Argentina, ngày 1/12/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của UNESCAP, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và niềm tin trên toàn cầu giảm sút vào năm 2019 có thể khiến GDP toàn cầu giảm tới 400 tỷ USD và khiến GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 117 tỷ USD.

Mia Mikic - người đứng đầu bộ phận thương mại, đầu tư và đổi mới tại UNESCAP - cho rằng khi có sự thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia do căng thẳng thương mại, điều sẽ khiến hàng chục triệu người bị mất việc làm và buộc phải tìm kiếm công việc mới.

Báo cáo cũng lưu ý rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có tác động lớn, dẫn đến sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng hiện nay và khiến giới đầu tư lo lắng. Thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng chậm lại sau nửa đầu năm 2018 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này được dự báo tiếp tục suy giảm trong năm tới, sau khi giảm 4% trong năm nay.

UNESCAP kêu gọi các nước trong khu vực tận dụng tối đa các sáng kiến hiện có để tăng cường hợp tác, bao gồm cả thỏa ước mới của LHQ về số hóa các thủ tục thương mại và giao dịch thương mại phi giấy tờ xuyên biên giới trong khu vực.

Báo cáo cũng nhấn mạnh cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại và cả hai sẽ tiếp tục tổn thất lớn về kinh tế nếu tiếp tục cuộc chiến này.

Cơ quan của LHQ cũng cho rằng việc thực hiện các hiệp định thương mại lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và sáu đối tác - gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - có thể bù đắp phần lớn thiệt hại kinh tế từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra.

UNESCAP dự báo việc thực hiện các thỏa thuận như RCEP có thể thúc đẩy xuất khẩu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng từ 1,3-2,9% và tạo thêm từ 3,5-12,5 triệu việc làm.

UNESCAP là ủy ban lớn nhất trong số các ủy ban khu vực của LHQ với 53 quốc gia thành viên và chín thành viên liên kết, bao gồm một diện tích trải dài từ đảo Tuvalu thuộc Thái Bình Dương ở phía Đông, đến Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây, Nga ở phía Bắc và New Zealand ở phía Nam, và là nơi cư trú của gần 2/3 dân số thế giới.

Ngoài các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành viên của UNESCAP còn bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Hà Lan.

>>>Tổng thống Donald Trump: Trung Quốc đang bắt đầu nhập khẩu lại đậu tương từ Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục