Căng thẳng Nhật -Hàn và nguy cơ tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng của thế giới

05:30' - 14/07/2019
BNEWS Vấn đề ở chỗ logic chính trị khác với logic kinh tế. Về chính trị, dù biết quyết định đó sẽ khiến cả hai bị tổn hại, nhưng vẫn phải làm để đối phương phải e sợ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu tại cuộc họp ở Seoul ngày 2/7/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc, hôm 1/7 Chính phủ Nhật Bản tuyên bố từ ngày 4/7 bắt đầu thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ sang Hàn Quốc.

Trong đó đáng chú ý là nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (high-purity hydrogen fluoride) được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn. 

Đây đều là những vật liệu mà Nhật Bản chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế. 

Lệnh hạn chế của Nhật Bản được dự báo sẽ tác động lớn tới ngành sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị của Hàn Quốc, thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới những nhà cung cấp linh kiện đầu vào cho các hãng công nghệ lớn như Apple, Huawei

Tờ Tin tức Thế giới cuối tuần cho rằng lệnh cấm nêu trên liên quan tới quan hệ Nhật-Hàn, nhưng cũng cho thấy chính sách ngoại giao của Nhật Bản bước vào giai đoạn mới, dám sử dụng biện pháp mang tính tấn công. Ý nghĩa thực sự của nó nằm ở chỗ thế giới đã chuyển từ giai đoạn quyết định sự vụ bằng quy tắc sang giai đoạn "cá lớn nuốt cá bé". 

Tuy không đến nỗi trở về với thời kỳ bạo lực, chiến tranh như trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhưng các nước ngày càng có xu hướng sử dụng các chiêu bài kinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia, trong đó có Mỹ.

Theo báo chí Malaysia, trong vài năm gần đây quan hệ Nhật-Hàn liên tục xấu đi, ngoài tranh chấp đảo Takeshima/Dokdo chưa được giải quyết, còn có việc Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang hồi tháng 2/2019 nói rằng Nhật Bản nên xin lỗi những người được gọi là “phụ nữ mua vui”, khiến dư luận Nhật Bản bị sốc, kiên quyết yêu cầu ông Moon Hee-sang phải xin lỗi. 

Cuối cùng, ngày 13/6 vừa qua, ông Moon Hee-sang đã xin lỗi về phát biểu này trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tại Seoul, nhưng sự việc không thể nói không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

Trước đó, quan hệ hai nước đã căng thẳng trước việc Nhật Bản cáo buộc hôm 20/12/2018 tàu chiến Hàn Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực vào máy bay tuần tra của Nhật Bản.

Về phía Hàn Quốc, cuối tháng 10/2018 và cuối tháng 11/2019, Tòa án Tối cáo nước này liên tục ra hai phán quyết buộc những doanh nghiệp Nhật Bản kế thừa các doanh nghiệp thời Chiến tranh Thế giới lần thứ hai như tập đoàn thép Nippon Sumitomo, công ty Mitsubishi Heavy Industries… phải chịu trách nhiệm bồi thường cho việc cưỡng ép lao động thời chiến. 

Luật sư đại diện cho các nạn nhân phía Hàn Quốc đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu bắt giữ và "đóng băng" tài sản của doanh nghiệp Nhật Bản tại Hàn Quốc. Sau đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã lên tiếng cho rằng phán quyết nêu trên về cơ bản đi ngược cơ sở pháp lý cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước, là điều hết sức đáng tiếc, hoàn toàn không chấp nhận được. 

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc tuyên bố nước này có hệ thống tư pháp độc lập, có nghĩa chính phủ không thể can thiệp vào quyết định của tòa án.

Giao thiệp ngoại giao không có kết quả, dưới áp lực của các tập đoàn kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe quyết định áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ đối với Hàn Quốc. 

Với quy định mới này, quá trình xuất khẩu những vật liệu công nghệ nêu trên cho Hàn Quốc sẽ bị kéo dài thêm khoảng 90 ngày để chờ phê chuẩn, động thái được cho là sẽ tấn công thị trường điện thoại thông minh Hàn Quốc. 

Seoul tuyên bố sẽ khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng phía Nhật Bản vẫn cứng rắn cho rằng quyết định đưa ra không vi phạm quy định của WTO cũng như quy định về thương mại quốc tế với hàm ý “bóng đang nằm ở sân của Hàn Quốc”.

Không chỉ có vậy Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn gọi là White Countries. Thông tin trên được đăng tải trên tờ Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 5/7, một ngày sau khi Tokyo thực thi quyết định siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc ba mặt hàng công nghệ cao.

Hiện danh sách White Countries có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng, mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào danh sách White Countries từ năm 2004. 

Nếu quyết định được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Báo trên cho biết việc cập nhật danh sách sẽ diễn ra vào cuối tháng Tám tới.

Việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách White Countries đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc... 

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra dựa trên những phán đoán liên quan tới vấn đề như an ninh, dự kiến việc cấp phép sẽ mất tới 90 ngày. Ngoài sự kiểm soát từ METI, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thông báo sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.

Tờ Tin tức Thế giới tin rằng quyết định của Nhật Bản được phía Mỹ ngầm ủng hộ. Bởi nó được cố ý đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ ba nhằm tránh gây ra sự giận dữ từ phía Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phá hỏng kế hoạch Triều Tiên của Mỹ. Hơn nữa, nó còn được đưa ra sau khi ông Trump đã lên máy bay rời khỏi bán đảo Triều Tiên.

Xem xét tình hình hiện nay có thể thấy Hàn Quốc không có đối sách trả đũa Nhật Bản hiệu quả. Cho nên, vụ việc có thể kết thúc sau khi Hàn Quốc nhượng bộ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó vượt khỏi khuôn khổ quan hệ Nhật-Hàn.

Bởi trước đây, Nhật Bản thường được nhìn nhận là “người khổng lồ về kinh tế”, nhưng là “tí hon về chính trị”, thường chỉ dùng ngoại giao “củ cà rốt”, nhưng lần này “cây gậy” đã được đưa ra, chắc chắn sẽ khiến các nước xung quanh căng thẳng. 

Các chuyên gia Nhật Bản cũng lo ngại nếu lệnh hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn ảnh hưởng tới việc sản xuất chip của Samsung hay màn hình hiển thị OLED của LG, các tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản như Sony, Panasonic cũng không thể sản xuất ra sản phẩm liên quan, khiến doanh nghiệp Nhật Bản chịu tổn thất lớn. 

Ngay cả Mỹ lớn như vậy, ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt đối với Huawei đối với ngành sản xuất bán dẫn và viễn thông cuối cùng cũng khiến Tổng thống Trump phải thay đổi, tuyên bố cho phép doanh nghiệp Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei.

Vấn đề ở chỗ logic chính trị khác với logic kinh tế. Về chính trị, dù biết quyết định đó sẽ khiến cả hai bị tổn hại, nhưng vẫn phải làm để đối phương phải e sợ. 

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump liên tục sử dụng biện pháp trừng phạt thương mại, trước là đối với Canada, Mexico, sau đến Trung Quốc và hiện nay tâm điểm chuyển sang châu Âu, Nhật Bản, gây ra mối đe dọa lớn đối với viễn cảnh kinh tế thế giới, nhưng dường như sự đe dọa đó đều mang đến hiệu quả, buộc đối thủ phải xuống nước dù rất khó chịu trước hành động của Mỹ.

Giờ đây, nếu Nhật Bản học cách làm của Mỹ, các nước khác sao không thể tiếp bước? Năm 2010, vì căng thẳng leo thang do tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản. 

Lần này trong chiến tranh thương mại với Mỹ, hồi tháng 5/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm nhà máy sản xuất đất hiếm ở Giang Tây, dẫn tới suy đoán rằng Trung Quốc có thể cắt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ.

Nếu các nước tùy ý quyết định hạn chế xuất khẩu dựa vào thế mạnh của mình trong chuỗi cung ứng như Saudi Arabia không bán dầu, Canada và Australia không bán quặng sắt… thế giới khó tránh khỏi hỗn loạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục