Căng thẳng ở Biển Đỏ: Doanh nghiệp tìm cách thích ứng

18:07' - 12/01/2024
BNEWS Cả doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp logistics đang tìm cách ứng phó để đưa nông sản Việt kịp thời, với giá cạnh tranh đến các thị trường.

Căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển tăng mạnh, thời gian giao hàng bị chậm, thậm chí giảm đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Cả doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp logistics đang tìm cách ứng phó để đưa nông sản Việt kịp thời, với giá cạnh tranh đến các thị trường.

 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo thông tin từ một số doanh nghiệp, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên...

Hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ/Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Chẳng hạn cước đi bờ Tây Mỹ tăng 800 - 1.250 USD (tăng 55-60%) tùy theo hành trình; cước đi Bờ Đông tăng nhiều hơn từ 1.400 - 1.750 USD (tăng 58-73%).

Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 USD - 4.450 USD trong tháng 1/2024, tăng hơn gấp đôi.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp VASEP cho là 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Điều này buộc các tuyến phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7-10 ngày dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.

Bên cạnh đó, do lưu lượng hàng hóa trong năm 2023 ít nên nhiều tuyến cắt bớt tàu mẹ. Khi hành trình kéo dài dẫn đến vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến phải cắt bỏ một số chuyến hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

Theo VASEP, đây có thể là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, giá cước vận tải tăng mạnh. Các container chở trái cây của công ty sang thị trường EU vẫn lênh đênh trên biển. Thời gian giao hàng cho đối tác sẽ bị chậm 2 tuần so với thời gian dự kiến.

Điều khiến ông Nguyễn Đình Tùng lo lắng hơn là việc vận chuyển kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Với mặt hàng rau quả, thời gian vận chuyển quyết định độ tươi ngon của sản phẩm.

Một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và cà phê ở Đắk Lắk cho biết, giá cước tàu đi châu Âu doanh nghiệp được thông báo đã tăng khá mạnh. Nhiều khách hàng nhập khẩu hồ tiêu của doanh nghiệp đã chậm mua, vì khi cộng giá hàng hóa với giá vận chuyển vượt khả năng của nhà nhập khẩu nên họ chọn phương án chờ đợi nếu hàng tồn kho vẫn còn.

Với đơn hàng đã ký theo hình thức FOB, nhiều nhà nhập khẩu cũng có ý chậm giao hàng. Bởi vậy, qua hơn 10 ngày đầu của tháng đầu năm 2024, lượng xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này chia sẻ.

Với mặt hàng cà phê, doanh nghiệp này cũng chia sẻ, những đối tác cần hàng thì doanh nghiệp vẫn vận chuyển, nhưng các nhà rang xay cũng đang tính toán lại việc giao hàng.

Theo doanh nghiệp xuất khẩu cà phê này, nếu tình trạng căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài sẽ tác động đến việc ký hợp đồng xuất khẩu mới. Hiện khách hàng rất lưỡng lự khi ký hợp đồng mới. Nhu cầu đến đâu sẽ mua đến đó chứ không có việc mua về sử dụng dần như trước đây.

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mega A chia sẻ: doanh nghiệp thường xuyên làm việc với khoảng 20 hãng tàu. Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, với hàng hóa vận chuyển sang châu Âu chi phí tăng thêm khoảng hơn 1.000 USD/container. Nếu tháng 12/2023 cước phí khoảng 4.200 USD, thì nay tăng lên khoảng 5.300-5.500 USD/container (40 feet). Mỗi tàu lớn với khoảng 10.000 container sẽ tăng khoảng 1 triệu USD.

Việc tăng giá này để các hãng tàu bù vào bảo hiểm, tiền chuộc nếu có, tàu chờ thời gian an toàn đi qua. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên.

Với doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau quả thì cần tính toán đến thời gian tàu có thể chậm thêm từ 7 - 10 ngày. Như vậy, nếu sản phẩm khó đáp ứng được yêu cầu đó thì cần tìm kiếm phương thức vận chuyển khác hoặc là thị trường khác để xuất khẩu sản phẩm đó.

Theo ông Đặng Đình Long, cả doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải cùng tìm giải pháp thích ứng với tình trạng căng thẳng ở Biển Đỏ. Đó là chuyển tuyến, tìm kiếm các điểm trung chuyển hàng hóa cùng việc thêm các phương thức vận chuyển khác như: xe lửa, hàng không…

Ông Đặng Đình Long cũng chia sẻ, với vận tải đường biển, doanh nghiệp thường cập nhật giá cho khách hàng 15 ngày/lần. Như vậy, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng bị áp lực trước tình hình trên.

Hiện Tập đoàn Mega A có lượng hàng vận chuyển phải đi qua Biển Đỏ chiếm 35-40%. Điều này cũng tác động không nhỏ đến chi phí, doanh thu của doanh nghiệp. Mega A và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang rất chia sẻ với nhau trong bối cảnh tình hình chung hiện nay.

Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có những khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội trong lĩnh vực logistics về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cần tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục