Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa lớn nền kinh tế toàn cầu

07:54' - 10/05/2019
BNEWS Căng thẳng thương mại và việc trả đũa thông qua các biện pháp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP/TTXVN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo như vậy trong bối cảnh tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang có nguy cơ gia tăng trở lại sau những dấu hiệu lắng dịu thời gian qua.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của IMF, ông Gerry Rice nói: "Những căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc kinh tế đang cản trở các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong ngày 9/5".

Người phát ngôn IMF một lần nữa kêu gọi một giải pháp nhanh chóng cho hai bên. Ông nói: "Những căng thẳng rõ ràng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề thương mại đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Như chúng tôi từng khẳng định trước đây, bất kỳ nước nào cũng sẽ thiệt hại nếu một cuộc xung đột thương mại kéo dài".

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đầu tuần qua cũng thừa nhận những căng thẳng mới nhất trong vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là mối đe dọa chính đối với nền kinh tế thế giới. 

Bà Lagarde cho rằng "những tin đồn và những tuyên bố trên mạng xã hội" khiến khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như ít đi.

Theo dự kiến, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Mỹ trong hai ngày 9-10/5 để tiến hành vòng phán thương mại song phương lần thứ 11 theo lời mời của các quan chức cấp cao nước chủ nhà. Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ lợi ích của nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo giới phân tích, đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng hơn gấp đôi mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 10/5 tới, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn tiếp diễn nhưng quá chậm khi Trung Quốc tìm cách đàm phán lại.

Hồi tháng trước, IMF dự báo rằng tình trạng kinh tế thế giới chậm lại có thể diễn ra vào cuối năm 2019, một phần do bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa thể giải quyết. Các quan chức IMF cho rằng sự phục hồi hiện tại chỉ là tạm thời. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,3%, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 vừa qua./.

Xem thêm:

>>Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đè nặng lên thị trường dầu châu Á​

>>Đồng yen tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần trước thềm đàm phán Mỹ-Trung        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục