Căng thẳng Trung Đông có thể khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào tài sản an toàn

07:30' - 16/04/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán Malaysia và đồng ringgit có khả năng chịu thêm áp lực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu thô lên và nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, Tiến sĩ Geoffrey Williams, nhà kinh tế học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (Ma-lai-xi-a) cho biết sự leo thang xung đột ở Trung Đông sẽ làm tăng rủi ro và sự bất ổn trên thị trường, cũng như khiến các nhà đầu tư trên thị trường tài chính tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, chủ yếu là Mỹ, trong đó Singapore dự kiến sẽ được hưởng lợi ở châu Á.

 

Tuy nhiên, động thái này sẽ không phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế của Malaysia, mà chỉ phản ánh trường hợp dòng vốn đầu cơ chảy ra các thị trường được coi là an toàn hơn trong ngắn hạn. Đây là cú sốc đối với thị trường và phản ứng của nó sẽ nhận thấy rõ trong những ngày sắp tới.

Trong khi đó, Nhà kinh tế trưởng Mohd Afzanizam Abdul Rashid của Ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd cho rằng đồng ringgit Malaysia có thể sẽ suy yếu trong thời gian tới khi lạm phát toàn cầu tăng cao khiến Mỹ phải duy trì chính sách tiền tệ hạn chế.

Ông lý giải thêm rằng tác động tức thời của căng thẳng gia tăng sẽ là giá dầu thô, từ đó gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Nếu tỷ lệ lạm phát của Mỹ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu 2% thì có thể dẫn đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm chính sách tiền tệ hạn chế trong thời gian dài. Điều này chắc chắn sẽ củng cố giá trị của đồng USD và đồng ringgit có thể vẫn yếu trong tương lai gần.

Theo Phó Giáo sư nghiên cứu phát triển Guanie Lim thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về nghiên cứu chính sách Nhật Bản, dự kiến sẽ có tác động một phần đối với đồng Ringgit Malaysia và thị trường chứng khoán địa phương. Ông cho biết: “Thông thường, giá dầu có xu hướng gia tăng phần nào sau căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông nên có thể mong đợi điều tương tự trong lần này”.

Về đồng ringgit, Phó Giáo sư Lim cho biết những động thái gần đây của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) đã giúp giảm bớt phần nào áp lực giảm giá đối với đồng tiền này, do đó tác động lần này có thể không quá nghiêm trọng.

Nhà phân tích kinh tế vĩ mô Aaron Pek cũng kỳ vọng tình hình sẽ chỉ có tác động hạn chế đến đồng ringgit. Thực tế, chính sách trong nước và sự phát triển kinh tế có ảnh hưởng nhiều hơn đến đồng tiền này so với bất kỳ diễn biến địa chính trị nào gần đây.

Ông nhận định tác động trực tiếp của căng thẳng Trung Đông leo thang đối với đồng ringgit có thể sẽ tương đối hạn chế. Điều đáng lo ngại là dòng xuất khẩu sang các nước liên quan, vì họ góp phần vào thặng dư tài khoản vãng lai của Malaysia.

Bất kỳ sự gián đoạn nào trong dòng xuất khẩu dầu cọ sang Iran có thể có tác động trực tiếp lớn hơn đến đồng ringgit khi với xuất khẩu của Malaysia sang Iran đạt 770 triệu USD năm 2022.

Tuy nhiên, ngay cả việc đánh mất hoàn toàn thị trường xuất khẩu này với lý do như các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều này cũng sẽ tác động không nhiều tới đồng ringgit, do cán cân xuất khẩu hàng hóa năm 2023 của Malaysia là 27,63 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục