Cận Tết, ngân hàng liên tục phát cảnh báo về các chiêu lừa "cuỗm" tiền trong tài khoản

15:16' - 14/01/2025
BNEWS Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng cao kéo theo tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến cũng ngày một phức tạp.
Trước thực tế này, các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dùng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo "cuỗm" tiền trong tài khoản.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã gửi email khuyến cáo khách hàng cần hết sức cảnh giác trước các trường hợp lừa đảo đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng như: thẻ giao dịch tại máy ATM hoặc POS bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ; thẻ bị mất cắp thất lạc, bị sử dụng trái phép; thẻ bị đánh cắp thông tin bởi nhân viên thu ngân tại các đơn vị chấp nhận thẻ; thẻ giao dịch tại các website hoặc ứng dụng không an toàn; cài đặt các phần mềm độc hại trên thiết bị di động có quyền truy cập và đánh cắp dữ liệu...

 
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khách hàng cài đặt app giả mạo ứng dụng của các cơ quan Nhà nước như app giả mạo Dịch vụ công, Cơ quan thuế, VNeID... Sau khi các ứng dụng giả mạo được cài đặt, kẻ gian sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Chưa dừng lại, kẻ gian còn mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để "xác minh"; gọi điện thông báo trúng thưởng hoặc nhận quà khuyến mãi, yêu cầu chuyển khoản phí... Đáng chú ý, nhiều khách hàng gần đây phản ánh việc nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng qua SMS hoặc các mạng xã hội như Facebook, Zalo..., thông báo tài khoản "bị khóa" hoặc "có giao dịch bất thường". Nếu nhấp vào đường link trong tin nhắn và nhập thông tin đăng nhập, mã OTP, khách hàng có nguy cơ mất toàn bộ tiền trong tài khoản.

Trước tình trạng này, các ngân hàng liên tục đưa ra khuyến cáo và khẳng định ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP qua điện thoại, email hay tin nhắn. Nếu nhận được các thông báo nghi ngờ, khách hàng cần liên hệ ngay với ngân hàng để xác minh.

Để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, các ngân hàng lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai; tránh nhấp vào các đường link lạ trong tin nhắn hoặc email; sử dụng ứng dụng ngân hàng chính thức để kiểm tra tài khoản thay vì tìm kiếm qua các nguồn không đáng tin cậy; kích hoạt các tính năng bảo mật nâng cao, chẳng hạn như xác thực hai lớp.

Đồng thời, khách hàng cần bảo quản cẩn thận thẻ vật lý, số thẻ và bảo mật mã số PIN, các mã số xác nhận giao dịch (CVC2 và OTP); thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch, biến động số dư để kịp thời phát hiện giao dịch gian lận nếu có; khóa thẻ ngay lập tức khi phát hiện mất thẻ hoặc thấy nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin, bị lợi dụng.

Ngoài ra, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Google mới đây đã chính thức ra mắt tính năng "Ứng dụng chính thức của Chính phủ" nhằm tăng cường bảo vệ người dùng trước các hành vi lừa đảo và đảm bảo an toàn trực tuyến tại Việt Nam, giúp người dân dễ dàng phân biệt và xác minh các ứng dụng chính thống.

Cụ thể, khi truy cập chợ ứng dụng Google (Google Play hay CH Play), các ứng dụng chính thức của Chính phủ sẽ hiển thị biểu tượng “Chính phủ” trên phần thông tin ứng dụng, giúp người dùng yên tâm về tính xác thực và độ tin cậy của ứng dụng. Nhiều ứng dụng đã được cấp nhận diện ứng dụng chính thức của Chính phủ như: VNeID, VssID, i-SPEED byVNNIC, Hóa Đơn Điện Tử TCT, Dịch Vụ Công Bộ Y Tế... Danh sách đầy đủ các ứng dụng chính thức của Chính phủ được công bố tại Hệ thống Tín nhiệm mạng - tinnhiemmang.vn.

Các ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh khách hàng chỉ cài đặt phần mềm được cung cấp bởi các đơn vị phát triển đáng tin cậy từ các cửa hàng ứng dụng chính thức như Google Play cho Android hoặc App Store cho iOS, không cài đặt các ứng dụng gửi qua tin nhắn...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục