Cảnh báo hệ lụy đối với nền kinh tế toàn cầu

08:40' - 11/06/2024
BNEWS Thứ trưởng Bộ Kinh tế Brazil Cristina Reis cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Brazil Cristina Reis cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương hơn trước thảm họa thiên tai.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu tại một diễn đàn về khủng hoảng khí hậu trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil vào cuối năm nay, bà Reis kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, các chính sách giảm thiểu và thích ứng nhằm bảo vệ nền kinh tế trước thiên tai.

Bà Reis cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu trong thập kỷ này. Bão lũ và hạn hán thường xuyên gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tác động đến chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp và gia tăng bất bình đẳng trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Brazil kêu gọi các quốc gia chung tay chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế hướng tới bảo tồn, bảo vệ và tái tạo hệ sinh thái. Bà chia sẻ về nỗ lực của Brazil trong việc triển khai "Chương trình chuyển đổi sinh thái" nhằm hỗ trợ người dân tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu, đồng thời hỗ trợ một cách hiệu quả và kịp thời nhất cho các nạn nhân và các vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng.

Bà Reis nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn khủng hoảng khí hậu. Bà đề xuất huy động nguồn lực từ các quỹ quốc tế và các ngân hàng phát triển đa phương để bảo đảm cung cấp tín dụng cho các quốc gia và dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà cũng cho biết Brazil đề xuất mở rộng các sáng kiến bồi thường cho các quốc gia nỗ lực bảo tồn rừng và hệ sinh thái thông qua các nguồn tài chính đa dạng, bao gồm tín dụng đa dạng sinh học, trái phiếu xanh, giảm nợ công, cải cách các quỹ khí hậu quốc tế, mở rộng quỹ dành cho việc phát hành trái phiếu chính phủ bền vững và cho phép ký hợp đồng nợ bằng nội tệ.

Với sự đa dạng về điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường, các nước G20 cần có sự đồng thuận và tôn trọng lẫn nhau trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Bà Reis kêu gọi tái cơ cấu chương trình nghị sự kinh tế quốc tế và phát triển các công cụ tài chính hỗ trợ ứng phó với thảm họa thiên nhiên và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục