Cảnh báo lợi dụng tuyên truyền phòng chống dịch để phát tán mã độc

10:13' - 11/02/2020
BNEWS Lợi dụng hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây ra, một số đối tượng đã gửi email phát tán mã độc (emotet…) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email.

Hiện nay, các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm phổi do chủng mới của virus Corona (nCoV) thường xuyên được gửi tới người dân thông qua email, tin nhắn SMS hoặc các ứng dụng mạng xã hội.

Lợi dụng hoạt động này, một số đối tượng đã gửi email phát tán mã độc (emotet…) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email. 

Theo cảnh báo từ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), các email, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh Corona, sau đó yêu cầu người dùng click vào đường link đính kèm trong mail.

Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email/tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tài tiền từ tài khoản. 

Vì vậy, để đảm bảo an toàn và bảo mật, MSB lưu ý người dùng rằng MSB và các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu trong bất kỳ trường hợp nào.

Do đó khách hàng tuyệt đối không mở email được gửi từ những địa chỉ email lạ; không truy cập, không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc thẻ vào đường link lạ được đính kèm trong email; xem kỹ mục đích sử dụng của OTP được đề cập trong tin nhắn của ngân hàng trước khi nhập thông tin.

Trong trường hợp nghi ngờ bị lộ thông tin thẻ hoặc ngân hàng điện tử, liên hệ ngay hotline của ngân hàng để được hỗ trợ.

Trước đó, các chuyên gia an ninh mạng đã có cảnh báo về một số liên kết độc hại được ngụy trang dưới hình thức các bài báo hoặc video tin tức phản ánh sự bùng phát của virus Corona mới. Những liên kết này có chứa mã độc được thiết kế để đánh cắp thông tin cá nhân.

Tin tặc cũng phát tán các bài viết, bài đăng và video gắn mã độc được che dấu dưới định dạng tệp hợp pháp, chẳng hạn như PDF hoặc MP4.

Nếu nhấp vào và tải xuống điện thoại hoặc máy tính, tin tặc có thể truy cập vào thông tin được lưu trữ của người dùng và có thể phá hủy, chặn hoặc sao chép dữ liệu theo ý muốn. 

>>> Gia tăng tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tài khoản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục