Cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại Bắc Cực

15:04' - 28/05/2020
BNEWS Ngày 27/5, các nhà khoa học cảnh báo các đám cháy ngầm đang rải rác khắp Bắc Cực có thể sẽ bùng lên sau mùa Xuân khô nóng bất thường.

Đây chính là tàn dư của các trận cháy rừng kinh hoàng năm ngoái.

Mark Parrington, nhà khoa học và là chuyên gia về cháy rừng của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết quan sát các đám cháy rừng từ vệ tinh cho thấy còn nhiều đám cháy ngầm có thể bùng lên.

Những điểm nóng đặc biệt tập trung tại các khu vực xảy ra cháy rừng năm ngoái. Năm 2019, các vùng đất rộng lớn ở Siberia và Alaska đã hứng chịu cháy rừng lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ.

Vào tháng 6/2019, cũng là thời điểm nóng kỷ lục trong 150 năm, các đám cháy ước tính đã thải ra 50 triệu tấn CO2 vào khí quyển, tương đương lượng khí thải hàng năm của Thụy Điển.

Chuyên gia Parrington nhận định ảnh hưởng từ các trận cháy rừng năm ngoái sẽ tác động đến tình hình năm nay, dẫn đến các vụ cháy rừng trên diện rộng và kéo dài trên khắp khu vực một lần nữa.

Nguy cơ cháy rừng sẽ gia tăng trong điều kiện thời tiết nóng, độ ẩm thấp, đặc biệt khi châu Âu vừa mới ghi nhận các mức nhiệt kỷ lục trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua.

Mike Waddington, chuyên gia của Đại học McMaster cho hay xu hướng ấm lên tại Bắc Cực sẽ dẫn đến tình trạng khô hạn, các đám cháy âm ỉ dưới lớp than bùn chỉ chực bùng cháy. Những đám tro tàn sâu trong lòng đất có thể bùng lên thành lửa vài tuần, vài tháng hay thậm chí là vài năm sau. 

Các nhà khoa học đang theo dõi tình hình Alaska đã chứng kiến những hiện tượng như vậy. Hiệp hội Khoa học Hỏa hoạn Alaska, gồm 4 trường đại học và các viện nghiên cứu, cho hay ngày càng có nhiều đám cháy âm ỉ trong suốt mùa Đông lạnh giá và ẩm ướt của phương Bắc, trước khi bùng lên trở lại vào mùa Xuân.

Kể từ năm 2005, các nhà khoa học tại Alaska đã xác định được 39 đám cháy như vậy. Kết hợp với các dữ liệu từ vệ tinh, họ phát hiện ra rằng đa số các đám cháy đều rất nhỏ, chưa đầy 11 hecta.

Năm ngoái, nắng nóng kỷ lục là nguyên nhân dẫn tới các đám cháy lớn  tại Siberia và Alaska. Nhiều khu vực tại đây đã có mức nhiệt cao hơn 10 độ C so với nhiệt độ thông thường tại thời điểm đó. Tại Greenland, nhiệt độ tăng đã khiến các lớp băng dài hàng km của hòn đảo này tan chảy. Năm ngoái, hòn đảo này đã mất tới 600 tỷ tấn băng, đóng góp tới 40% mực nước biển dâng trong năm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục