Cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào tiền ảo

11:39' - 17/12/2017
BNEWS Có những lúc đồng tiền ảo đã leo tới mốc từ 15.000 - 16.000 USD, thậm chí 19.000 USD/Bitcoin. Lợi nhuận không hề nhỏ, song dư luận lại đang lo ngại về những rủi ro và nguy cơ đồng tiền này mang lại.
Đồng tiền ảo Bitcoin mạ vàng tại London, Anh ngày 20/11. AFP/TTXVN

Giới trẻ hiện nay có lẽ đã “quen tai” khi nói chuyện về Bitcoin và đầu tư vào Bitcoin cũng như nhiều đồng tiền ảo khác. Nhưng chắc hẳn sẽ không nhiều người hiểu tường tận về đồng tiền ảo cũng như cách thức vận hành của nó.

Chỉ từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin đã tăng  chóng mặt hơn 1.000%, từ mức 1.000 USD lên hơn 10.000 USD. Có những lúc đồng tiền này đã leo tới mốc từ 15.000 - 16.000 USD, thậm chí 19.000 USD/Bitcoin. Lợi nhuận là không hề nhỏ, song dư luận lại đang lo ngại về những rủi ro và nguy cơ đồng tiền này mang lại.

Nguy cơ trắng tay vì “tiền ảo”

Có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và cách thức để đầu tư, mua-bán Bitcoin và các trên Internet. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “mua bán Bitcoin”, hệ thống google đã cho ra 600.000 kết quả và giới thiệu nhiều trang web mua bán Bitcoin như Remitano.com, bitcoin.vn; hay với từ khóa “đào bitcoin”. Google cũng đã cho 414.000 kết quả, bao gồm việc hướng dẫn đào tiền ảo, kinh nghiệm đào tiền ảo…

Chứng kiến quá trình chơi tiền ảo của anh T.H.L, tại Kim Mã (Hà Nội), từ lúc hào hứng với khoản đầu tư tăng lên cho tới ngày trắng tay, anh T.H.L cho biết, dù chẳng hiểu gì về Bitcoin nhưng thấy nhiều người tham gia chơi nên cũng muốn kiếm lời.

Chính vì không hiểu nhiều về tiền ảo nên khi Bitcoin mất giá, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ như anh đã mất cả tỷ đồng.

Theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, Bitcoin và các loại tiền ảo khác lên xuống thất thường theo thị trường và theo các loại tin đồn, theo yếu tố chính trị, trong khi chính phủ của các quốc gia không thể can thiệp để đảm bảo giá trị của các đồng tiền đó.

Vì vậy, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có thể gây nên các đợt đầu tư ảo và mất giá ảo rất lớn, đồng thời làm cho các hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường có thể bị khủng hoảng.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, đây được coi là loại tài sản có sự biến động, bất ổn nhất. Đơn cử như chỉ trong 2 ngày cuối tháng 11 vừa qua, đồng tiền ảo này đã lên đỉnh 11.200 USD, nhưng lại mất giá 2.000 USD ngay sau đó chưa đầy 1 ngày.  

Đặc biệt, thông qua việc mua bán giao dịch Bitcoin, hoạt động trốn thuế, rửa tiền, chảy máu ngoại tệ hoàn toàn có thể xảy ra vì trên thực tế hoạt động giao dịch Bitcoin tại nhiều quốc gia không được quản lý, kiểm soát bởi một cơ quan chức năng nào. Tính không chính danh của tiền ảo đã làm cho "tiền bẩn" hay "tiền sạch" cũng như nhau khi mua trên các sàn giao dịch trực tuyến.

Như vậy, việc kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp, tội phạm rửa tiền sẽ khó kiểm soát. Thực tế là nhiều quốc gia đã phát hiện tình trạng rửa tiền, trốn thuế thông qua hoạt động đầu tư Bitcoin và tiền ảo.

Theo các chuyên gia, các đồng tiền ảo này có thể do bất kỳ ai tạo ra, có thể tồn tại 1 tháng, 1 năm hoặc 10 năm và lâu hơn nhưng lại có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không rõ cơ chế hoạt động và không có giá trị thực sự đảm bảo.

Đơn cử như, trong một ngày, giá 1 đồng Bitcoin có thể tăng cả nghìn USD nhưng ngay lập tức có thể mất giá cả nghìn USD; trong khi chính phủ các nước không thể quản lý và điều phối được đồng tiền ảo này. Các giao dịch gian lận, thao túng giá để kiếm lời sẽ khiến cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mất trắng…

Theo Luật sư Chu Khang, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, về mặt pháp lý, những giao dịch, đầu tư, kinh doanh liên quan đến tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Ngoài ra kinh doanh tiền ảo đa cấp trên mạng mà không được cấp phép thì càng trái pháp luật. Các cơ quan nhà nước đã cảnh báo nhiều, người dân không tìm hiểu kỹ mà vẫn tham gia thì sẽ rất rủi ro.

Kiểm soát tiền ảo

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về những vấn đề rủi ro liên quan đến tiền ảo, nhưng các sàn giao dịch Bitcoin và tiền ảo khác tại Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi động.

Tiền ảo không chỉ được giao dịch đơn thuần trên hệ thống mạng mà còn đang xuất hiện nhiều biến tướng như đa cấp, lừa đảo, khiến nhiều bạn trẻ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần…

Theo đại diện Phòng Thương mại điện tử, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, tại Việt Nam, hiện còn rất nhiều trang mạng hoạt động theo mô hình đa cấp, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với người tham gia. Bản chất đó là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất “khủng” từ 30-80%/năm.

Các mạng lưới kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam diễn ra tự phát, các cá nhân tự mua đi bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào. Người dân thường chỉ nhìn vào lãi suất mà tham gia, không tìm hiểu đồng tiền có hợp pháp không.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, do tiền ảo có thể trở thành phương tiện để lừa đảo với cộng đồng dân cư, nên giải pháp là phải hướng dẫn cộng đồng dân cư đầu tư tiền của mình vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vào đầu tư thực, đem lại năng suất lao động cao hơn, đem lại tài sản lớn hơn cho xã hội cũng như sức sản xuất mới cho nền kinh tế thay vì đầu tư vào tiền ảo đầy rủi ro. Từ đó có thể mất sạch vốn ban đầu cũng như tạo ra những hệ lụy nhất định với kinh tế - xã hội.

Thêm nữa, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các công ty, các cá nhân lôi kéo các nhà đầu tư mua tiền ảo, tổ chức các sàn giao dịch tiền ảo. Các hoạt động này thực chất là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát trên mạng xã hội, từ đó có các biện pháp quản lý, các chế tài nghiêm khắc với các đối tượng cố tình lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin đầu tư tài sản, tiền vốn vào tiền ảo.

Liên quan đến tiền ảo (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số), theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam; bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)./.

>>> "Cơn sốt" bitcoin bắt đầu gây lo ngại lớn hơn cho các nhà chức trách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục