"Cánh đồng lớn" đang có nguy cơ giảm diện tích vì... thiếu vốn

09:23' - 25/05/2019
BNEWS Mô hình "cánh đồng lớn" (trước đây gọi là cánh đồng mẫu lớn) liên kết sản xuất lúa được triển khai thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2011.
Đồng bằng sông Cửu Long gắn việc xây dựng cánh đồng lớn với ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN

Đến nay, cả vùng có khoảng 380.000 ha nằm trong mô hình, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của vùng. Tuy nhiên, mô hình đã được chứng minh đem lại lợi ích lớn cho ngành lúa gạo này đang có nguy cơ giảm diện tích vì doanh nghiệp thiếu vốn.

Ông Phan Thiện Khanh, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 20 ha ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, Tp. Cần Thơ cho biết, lợi ích của mô hình liên kết trước hết là nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất, giảm được chi phí đầu tư. Ví dụ, đối với các giống lúa ít bị sâu rầy nhưng những người không tham gia mô hình thường phun thuốc diệt rầy 3 – 4 lần mỗi vụ, trong khi ruộng liên kết chỉ phun một lần.

Bên cạnh đó, các giống lúa chất lượng cao như Jasmine thì luôn có giá bán cao hơn lúa thường, bình quân khoảng 700 đồng/kg. Từ việc tiết kiệm được chi phí đầu tư cộng với giá cả thì ông Khanh cho rằng liên kết sản xuất đem lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân.

Mới tham gia vào cánh đồng lớn gần đây nhưng ông Nguyễn Văn Uẩn, nông dân xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Tp. Cần Thơ đánh giá, mô hình liên kết sản xuất đem lại hiệu quả cho nông dân rất nhiều. Từ sản xuất tự phát thì khi vào tổ hợp tác, các quyền lợi của nông dân sẽ được đảm bảo cũng như đầu ra cũng ổn định hơn.

Theo ông Uẩn, những hộ sản xuất cá nhân, nhỏ lẻ thường gặp bất lợi bởi giá cả bấp bênh, thương buôn ép giá, khi thị trường đi xuống thì sản phẩm bị ùn ứ, không tiêu thụ được. Dù khi tham gia liên kết ở giai đoạn đầu thì nông dân cũng gặp một số khó khăn nhất định như chưa am hiểu được các quy trình, tiêu chuẩn của doanh nghiệp đặt ra cũng như kỹ thuật sản xuất mới.

Tuy nhiên, khi đã quen thì tất cả đều nhận thấy được những ích lợi mà việc liên kết sản xuất đem lại. Tuy vất vả ban đầu nhưng  sau đó hàng hóa làm ra được tiêu thụ ổn định, thu nhập tăng lên nên nông dân rất phấn khởi.

Ông Trần Vần Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét, trong liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị thì hai "mắt xích" quan trọng nhất nông dân (đại diện là các hợp tác xã) và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình liên kết được triển khai trong những năm qua đã cho thấy những ưu điểm của hình thức này.

Tuy đem lại lợi ích cho cả hai bên nhưng theo ông Khởi, đến nay mối liên kết này vẫn còn rất lỏng lẻo. Cụ thể, do giá lúa trong mô hình ít được thỏa thuận ngay từ đầu vụ nên tỷ lệ các hợp đồng thành công chưa nhiều. Nguyên nhân được ông Khởi chỉ ra nằm ở cả nông dân và doanh nghiệp.

"Điều này không chỉ người sản xuất bị thua thiệt mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là mỗi khi thị trường gạo xuất khẩu thế giới có biến động lớn", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói.

Một số nguyên nhân chủ yếu làm giảm quy mô sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là doanh nghiệp nhỏ, không chủ động khẳng định được đầu ra chắc chắn thông qua dự báo thị trường; không có hợp đồng xuất khẩu gạo lớn, còn hạn chế về năng lực chế biến, bảo quản gạo và nguồn vốn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chia sẻ với nhau dẫn đến nhiều hợp đồng bị phá vỡ dù lợi ích kinh tế không lớn. Sự vào cuộc của chính quyền các địa phương trong việc làm cầu nối, trọng tài phân xử, hướng dẫn thực thi chính sách không đều, còn hạn chế. Thị trường lúa gạo có nhiều diễn biến thất thường, phụ thuộc vào nguồn cung – cầu của thế giới.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, trụ sở tại quận Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ cho biết, số diện tích bao tiêu của Công ty Trung An trong vụ Hè Thu 2019 đã giảm khoảng 100 ha (so với 4.000 ha của vụ Đông Xuân 2018 – 2019). Đây là diện tích mà nông dân không sản xuất theo yêu cầu của Công ty.

Tuy nhiên, lý do nói trên chỉ là một phần. Nguyên nhân quan trọng hơn được ông Bình tiết lộ là hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn. Nông dân không trồng lúa theo nhu cầu thì Công ty vẫn bao tiêu được. Nhưng Công ty không có đủ tiền để mua lúa đó về tạm trữ chờ bán.

Cũng theo ông Phạm Thái Bình, sắp tới, không chỉ riêng Trung An mà diện tích liên kết của các doanh nghiệp khác cũng sẽ giảm nhiều so với hiện nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp bỏ hẳn không bao tiêu thu mua nữa bởi thiếu vốn.

Theo ông, để ngành hàng lúa gạo của Việt Nam có được những sản phẩm có thể cạnh tranh được ở thị trường thế giới, đặc biệt là nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế thì liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân là rất cần thiết. Có thể khẳng định đây là mô hình hiệu quả nhất, đúng đắn nhất và cần thiết nhất hiện nay đối với Việt Nam nhưng vẫn không nhân rộng ra được.

"Có một cái vướng duy nhất mà nhiều hội thảo, hội nghị vẫn không giải quyết được, đó là vốn ở đâu để thực hiện mô hình", Tổng giám đốc Công ty Trung An thẳng thắn khi nói về nguyên nhân ông cho rằng đã và đang cản trở cánh đồng lớn phát triển.

Theo lãnh đạo Công ty Trung An, khi đã thu mua toàn bộ số lúa hàng hóa nông dân làm ra thì doanh nghiệp phải đầu tư các cơ sở hạ tầng để phục vụ cho mô hình.

Trước đây, nông dân tự làm thì họ sẽ tự lo vốn, ai có bao nhiêu héc ta thì cũng phải tự phơi, tự sấy. Nhưng hiện nay khi doanh nghiệp đã xây dựng mô hình liên kết là xây dựng cả vùng nguyên liệu và phải lo vấn đề này. Các khoản cần phải đầu tư là máy sấy lúa, silo chứa lúa (hệ thống lò chứa lúa với điều kiện bảo quản, lưu trữ ưu việt hơn so với nhà kho) và quan trọng nhất là tiền thanh toán cho nông dân khi thu hoạch.

Theo ông Bình, trước đây, nông dân tự làm tự phát, có thể tự quyết định bán lúa theo cách của mình. Nhưng khi liên kết thì doanh nghiệp phải có tiền trả ngay khi nông dân giao lúa. "Vì vậy, vốn là câu chuyện lớn nhất trong mô hình này", ông Bình nhấn mạnh.

Để tháo gỡ những khó khăn này, đại diện các doanh nghiệp lúa gạo cho rằng nhất định phải có sự vào cuộc của ngân hàng. Theo ông Phạm Thái Bình, hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay để xuất khẩu gạo bình thường còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững thì hầu như chưa có ngân hàng nào làm.

Do đó, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho rằng Nhà nước cần tập trung đầu tư và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để mô hình này tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Trong đó, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nòng cốt thì cần được ngân hàng cho vay đủ vốn để đầu tư xây dựng cánh đồng lớn liên kết theo từng dự án được các tỉnh, thành phố phê duyệt dựa trên các tiêu chí, quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

Xem thêm:

>>Tăng sức cạnh tranh cho nông sản

>>Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục