Cao điểm Tết, hàng hóa về chợ Bình Điền, TP.HCM có thể tăng 40 - 60%

09:31' - 26/01/2024
BNEWS Đêm 25, rạng sáng 26/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng đi kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại các chợ đầu mối.

Đêm 25, rạng sáng 26/1, Đoàn kiểm tra về tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và an toàn thực phẩm do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu đã kiểm tra tình hình thực tế tại các chợ đầu mối trên địa bàn.

Tại chợ Bình Điền, theo báo cáo của Công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, trong 3 tháng cuối năm 2023, sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 2.400 tấn/ngày, giảm khoảng 10% - 20% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Dự kiến trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân với mức 20% - 35% so với ngày thường; đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (dự kiến ngày 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 40 - 60%, đạt khoảng 3.200 đến 4.000 tấn/đêm.

Một số mặt hàng dự báo có xu hướng tăng giá trong thời điểm cận Tết như hải sản tươi sống, trái cây bày cúng tăng từ 10% đến 20%. Một số mặt hàng hoa tươi cao cấp tăng giá từ 2 đến 3 lần so với bình thường, còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều.

Để chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ Tết Giáp Thìn 2024, Công ty đã chủ động liên hệ và làm việc với các chủ vựa lớn, thương lái tại chợ Bình Điền, qua đó nắm bắt tình hình từng mặt hàng chủ lực trong dịp Tết 2024 như sản lượng, giá cả, dự báo cung - cầu nhằm thông tin điều tiết lượng hàng nhập chợ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo không tăng giá đột biến hoặc dư thừa nguồn cung dẫn đến thiệt hại cho người kinh doanh, nuôi trồng. Công ty Quản lý chợ Bình Điền cũng tuyên truyền, vận động thương nhân ổn định giá cả, không lợi dụng thời điểm Tết có nhu cầu tiêu thụ cao để nâng giá trục lợi, đồng thời tăng cường kiểm tra việc niêm yết và bán đúng giá niêm yết theo quy định.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, Công ty Quản lý chợ đã xây dựng kế hoạch về chuẩn bị nguồn hàng và các dịch vụ liên quan để chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân mua sắm, đón Tết. Thời điểm trước Tết 1 tháng, ghi nhận lượng hàng về chợ tăng khoảng 8% so với năm 2023, tương ứng 2.500 tấn/ngày đêm. Dự kiến, trong những ngày cao điểm từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp âm lịch, lượng hàng nhập chợ sẽ tăng dần; trong đó lượng rau dao động từ 1.800 tấn - 2.500 tấn/ngày, lượng trái cây dao động từ 2.200 tấn - 2.500 tấn/ngày, hoa tươi dao động từ 200 - 400 tấn/ngày.

Tuy nhiên, một vấn đề mà các công ty quản lý chợ đầu mối hiện nay lo ngại là tình trạng buôn bán trái phép, chợ tự phát mọc lên nhiều khu vực xung quanh chợ. Do những khu vực này không thuộc thẩm quyền quản lý, các công ty quản lý chợ không thể đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, vấn đề an toàn thực phẩm.

Riêng về công tác an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm đảm bảo vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, đơn vị này đã cử các đội an toàn thực phẩm túc trực thường xuyên, phối hợp công ty quản lý chợ kiểm tra hằng đêm. Các tổ kiểm tra lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất các chỉ tiêu hàn the, formol, phẩm màu, chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thông tin truy xuất nguồn gốc… Đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, các tổ kiểm tra đều giám sát nguồn gốc xuất xứ lô hàng nhập khẩu, kiểm tra điều kiện bảo quản, bao bì, nhãn mác theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, năm nay lượng hàng cung ứng Tết dồi dào, bảo đảm nguồn cung, giá cả hàng hóa đa phần ổn định. Theo ông Dũng, hiện mãi lực tại các chợ giảm hơn so với những năm trước do tình hình kinh tế của người dân gặp khó khăn. Để đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho người dân Thành phố vui Xuân, đón Tết, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các đơn vị quản lý chợ đầu mối tiếp tục theo dõi sát hình hình thực tế để điều chỉnh kịp thời, giữ ổn định lượng hàng hóa và giá cả.

Ông Nguyễn Văn Dũng yêu cầu Sở An toàn thực phẩm và các công ty quản lý chợ đầu mối phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Các lãnh đạo địa phương tăng cường phối hợp liên kết với các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các điểm bán hàng tự phát xung quanh các chợ đầu mối để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục