Cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn vẫn vướng đất rừng và hạ tầng kỹ thuật

15:43' - 06/10/2023
BNEWS Việc chuyển đổi đất rừng chậm trễ, đường điện và hạ tầng kỹ thuật khác chưa được di dời đang ảnh hưởng lớn đến thi công Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn.

Thông tin về những vướng mắc trong quá trình thi công dự án thành phần cao tốc Hoàn Nhơn – Quy Nhơn thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025, đại diện lãnh đạo Ban điều hành Trường Sơn 5 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) – nhà thầu đảm nhận 23,5km thuộc gói thầu 11-XL cho hay, bên cạnh việc chậm trễ thủ tục chuyển đổi đất rừng thì vướng mắc về đường điện cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác chưa được di dời đã ảnh hưởng lớn đến việc thi công của nhà thầu.

Cụ thể, lãnh đạo Ban điều hành Trường Sơn 5 cho hay, tại Km5-Km6 hiện đang vướng đường điện 110KV chưa được di dời. Cũng trên gói thầu, tại vị trí cầu vượt đường tỉnh 638 vướng đường điện 220V. Về mặt bằng cũng đang vướng tại cầu Ân Tường Đông (khoảng 900m).

Về đất rừng, đại diện Ban điều hành Trường Sơn 5 cho biết, phần diện tích đoạn tuyến từ km18+650-km20+970 với khoảng 2,32km thuộc xã Ân Tường Đông đi qua rừng phòng hộ, sau khi UBND huyện Hoài Ân tiến hành kiểm đếm, xác nhận diện tích rừng phòng hộ trên thực địa lớn hơn diện tích đã có chủ trương chuyển mục đích sử dụng tại Nghị quyết số 273/NQ-UTVQH15.

“Tuy nhiên, phần diện tích lớn hơn diện tích đã có chủ trương chuyển mục đích sử dụng đang phải chờ UBND tỉnh Bình Định trình thông qua Quốc hội. Vì vậy nhà thầu chưa thể triển khai thi công đồng bộ việc đào hạ nền và bạt mái taluy để tận dụng toàn bộ khối lượng đất đá điều phối đắp nền đường cho toàn tuyến. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của gói thầu”, đại diện nhà thầu chia sẻ.

Về tiến độ trên công trường, đại diện Ban Điều hàng Trường Sơn 5 cho hay, tại Bình Định sắp vào mùa mưa nên đơn vị đang chỉ đạo tăng tốc trên công trường. Hiện nhà thầu đang huy động 166 đầu xe máy thiết bị với 330 kỹ sư, công nhân chia làm 10 mũi thi công các hạng mục quan trọng của dự án, đặc biệt là các hạng mục dưới nước như cầu, cống, hệ thống hầm chui dân sinh. Để trong mùa mưa nhà thầu vẫn có thể thi công phần trên những lúc thời tiết thuận lợi.

Tại gói thầu XL-12, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Ban điều hành gói thầu 12-XL (Tập đoàn Sơn Hải) thông tin, tại gói thầu vẫn vướng mặt bằng xôi đỗ do người dân đang chờ các khu tái định cư để chuyển sang. Về mỏ đất tại gói thầu được cấp phép 2 mỏ, nhà thầu đang tiến hành các thủ tục để khai thác.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, tiến độ tổng thể gói thầu đang vượt tiến độ đề ra, đạt khoảng 35% giá trị hợp đồng sau hơn 6 tháng thi công (từ 1/3/2023). Tuy nhiên do sắp vào mùa mưa nên nhà thầu bỗ trí trên công trường trên 50 đầu máy thiết bị cùng 250 cán bộ, kỹ sư công nhân chia làm 4 mũi chính thi công 3 ca, 4 kíp với mục tiêu tăng tốc đẩy sản lượng.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), dự án thành phần cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn với chiều dài 70,1km. Hiện nay, nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục quan trọng.  Tại dự án này, hướng tuyến chủ yếu đi qua đồi núi và hệ thống sông suối chằng chịt nên thời gian này, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu ưu tiên thi công các hạng mục: Cầu, cống ngầm, mương thoát nước, đảm bảo kế hoạch tiến độ thời điểm trước và sau mùa mưa lũ.

Tại buổi kiểm tra công trường dự án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn ngày 5/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, chủ đầu tư, địa phương tranh thủ từng giờ, từng phút để giải phóng mặt bằng sạch, giao mặt bằng sạch cho thi công. Thứ trưởng ghi nhận nỗ lực của địa phương trong giải phóng mặt bằng và đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm, tập trung hoàn thiện dứt điểm mặt bằng; vận động người dân hiểu và ủng hộ cho dự án trọng điểm quốc gia. Những vướng mắc, tồn đọng mặt bằng sẽ gây khó khăn cho nhà thầu và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, địa phương cần triển khai nhanh các khu tái định cư để người dân vào ở. Thời tiết đang mùa khô ráo, nếu mặt bằng sớm được bàn giao thì việc thi công thêm thuận lợi.

Bên cạnh một số nhà thầu thi công tốt, tại dư án cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy không hài lòng với sản lượng thi công của nhà thầu (Công ty Trường Thịnh phụ trách thi công từ Km64+080 - Km70+091). Đây là đơn vị thi công chậm nhất, vì vậy Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 phải theo dõi đặc biệt, họp với riêng Công ty Trường Thịnh và báo cáo lại tiến độ. Nếu Công ty Trường Thịnh không có giải pháp khắc phục, dứt khoát cắt chuyển khối lượng sang cho nhà thầu khác.

Về vấn đề mặt bằng, để bảo đảm tiến độ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trước ngày 30/10/2023 theo yêu cầu của Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các chính quyền địa phương có dự án đi qua tiếp tục vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân, các vướng mắc về mặt bằng theo đề nghị của chủ đầu tư, sớm giao toàn bộ mặt bằng để thi công dự án.

Dự án thành phần cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn có tổng mức đầu tư hơn 12.401 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tiếp nối với cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và điểm cuối kết nối với cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh. Dự án án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc với vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Theo hợp đồng ký kết, nhà thầu sẽ phải hoàn thành dự án vào ngày  31/12/2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục