Cập nhật COVID-19 sáng 19/8: Thế giới có hơn 22 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

08:33' - 19/08/2020
BNEWS Tính đến 8h sáng 19/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 22.294.602 ca mắc COVID-19, trong đó có 783.429 ca tử vong; trong đó dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Mỹ.

Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến khoảng 8h sáng 19/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 22.294.602 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 783.429 ca tử vong.

Đã có 15.037.670 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 6.473.503 người đang được điều trị, khoảng 1% trong số này trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 5.655.328 ca nhiễm và 175.040 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 3.411.872 ca nhiễm và 110.019 ca tử vong; Ấn Độ  2.766.626 ca nhiễm và 53.023 ca tử vong.

Dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Mỹ. Bộ Y tế Mexico thông báo có thêm 5.506 ca nhiễm mới và 751 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 531.239 ca và 57.774 ca tử vong.
Tại Brazil, chính phủ nước này thông báo cho phép thử nghiệm lâm sàng tại nước này đối với loại vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 do Tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson nghiên cứu phát triển.
Quy trình thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vaccine mang tên Ad26 này sẽ được thực hiện trên 7.000 người tình nguyện trong độ tuổi từ 18 đến 60 thuộc các bang Sao Paulo, Rio de Janeiro, Minas Gerais, Rio Grande do Sul, Paraná, Bahia và Rio Grande do Norte. Loại vaccine này đã được thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 ở Mỹ và Bỉ.

Trước đó, Chính phủ Brazil đã quyết định đầu tư gần 400 triệu USD cho phòng thí nghiệm AstraZeneca của Anh và các tổ chức nghiên cứu của Brazil để phát triển loại vaccine của Đại học Oxford.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết toàn châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 1.128.245 ca mắc COVID-19 và 25.884 ca tử vong. Ngoài ra, số bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi là 846.330 người.

Theo CDC châu Phi, Nam Phi hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất châu lục này, với 592.144 ca nhiễm và 12.264 ca tử vong.

Xếp vị trí thứ 2 ở châu lục này là Ai Cập với 96.590 ca nhiễm và 5.173 ca tử vong, tiếp theo lần lượt là các quốc gia như 49.485 ca nhiễm và 977 ca tử vong, Maroc với 44.803 ca nhiễm và 714 ca tử vong, Ghana là 42993 ca nhiễm và 248 ca tử vong, Algeria là 39.444 ca nhiễm và 1.391 ca tử von,…

Xét theo vùng, miền Nam châu Phi vẫn là khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất châu Phi, tiếp theo là Bắc Phi và Tây Phi. Một số quốc gia châu Phi ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày đứng đầu vẫn là Nam Phi, tiếp theo lần lượt là Ai Cập, Ethiopia, Maroc, Algeria,…

Tại Liban, giới chức đã thông báo về việc áp dụng lệnh phong tỏa mới và lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19.

Những biện pháp mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/8 và sẽ kéo dài trong thời gian 2 tuần. Động thái này được cho là sẽ không ảnh hưởng tới công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ nhân đạo sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4/8.

Cụ thể, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Tất cả các trung tâm mua sắm sẽ phải đóng cửa và các nhà hàng hạn chế giao hàng và giảm bớt thời gian hoạt động.

Ngoài ra, việc tụ tập đông người cũng sẽ bị cấm. Sân bay sẽ hoạt động bình thường và các bộ sẽ bố trí nhân sự làm việc với số lượng bằng một nửa so với thời điểm bình thường.

Trong khi đó, các khu vực bị ảnh hưởng do vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 sẽ được miễn áp dụng các biện pháp hạn chế nêu trên khi các nỗ lực dọn dẹp và khắc phục hậu quả sau vụ nổ vẫn đang tiếp tục được triển khai ở khắp các khu vực xung quanh cảng Beirut.

Liban đã chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 đặc biệt trong những ngày gần đây. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Liban là 9.758 người, trong đó có 107 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Liban Hamad Hassan đã cảnh báo rằng nhiều bệnh viện đã đạt mức công suất tối đa trong điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo Bộ trưởng Hassan, nhiều bệnh viện công và tư nhân ở thủ đô Beirut hiện có năng lực rất hạn chế, kể cả về vấn đề giường bệnh ở khoa hồi sức tích cực hay máy trợ thở.

Trong khi đó, Hãng hàng không  El Al của Israel thông báo sẽ kéo dài thời hạn đình chỉ bay cho đến ngày 30/9.

Hãng này đưa ra quyết định trên mặc dù Israel đã bắt đầu từng bước mở lại bầu trời cho các chuyến bay quốc tế từ ngày 16/8 nằm trong chính sách gỡ bỏ dần các quy định hạn chế đi lại được áp đặt trong nhiều tháng qua nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Hiện tại, hành khách đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp không còn bị yêu cầu cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Israel, trong khi đó công dân Israel có thể bay tới Bulgaria, Hy Lạp và Croatia mà không cần phải cách ly khi đi đến các nước này và trở về Israel.

Theo hãng El Al, việc gia hạn đình chỉ bay vì Israel hiện vẫn áp đặt quy định chặt chẽ đối với hành khách đến từ nhiều nước nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Những quy định này bao gồm yêu cầu cách li bắt buộc đối với người Israel hồi hương và lệnh cấm nhập cảnh đối với hầu hết người nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục