Cập nhật COVID-19 sáng 3/6: Đông Âu vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam 0 ca mới

06:10' - 03/06/2020
BNEWS Cập nhật dịch COVID-19 đến sáng 3/6, số ca mắc mới theo ngày đang giảm đều ở Tây Âu, trong khi dịch bệnh tại Nga và Đông Âu vẫn diễn biến phức tạp.

Cập nhật mới nhất COVID-19 trên trang mạng worldometers.info cho biết, tính đến 6h sáng 3/6 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã bùng phát tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 6,47 triệu người mắc; trong đó có hơn 381 nghìn người đã tử vong.

Mỹ tiếp tục là nước có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới và tử vong cao nhất (1.879.265 người mắc và 108.010 ca tử vong). Đứng thứ hai là Brazil với 555.129 ca mắc và 31.243 ca tử vong. Tiếp theo là Nga với 423.741 ca mắc và 5.037 ca tử vong; Tây Ban Nha với 287.012 ca mắc và 27.127 ca tử vong; Anh với 277.985 ca mắc và 39.369 ca tử vong.

Như vậy, tính tỷ lệ tử vong trên tổng số người mắc COVID tại Anh hiện nay cao nhất thế giới với hơn 14%.

Tính đến sáng 3/6, thế giới có 2.984.522 bệnh nhân khỏi bệnh trong khi vẫn còn 3.103.878  người đang điều trị; trong đó có 2% số bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Còn tại Việt Nam, cập nhật 6h sáng 3/6, 0 ca mắc mới. Tính đến giờ, Việt Nam có 328 ca mắc COVID-19. Đặc biệt, hôm nay là ngày thứ 48 liên tiếp Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. 

DIỄN BIẾN CHÍNH VỀ DỊCH COVID-19 TRONG 24H QUA

*Diễn biến trái chiều tại châu Âu:

Vào thời điểm hiện tại ở châu Âu, khu vực Tây Âu, số ca nhiễm mới vẫn cao nhưng đang giảm dần, trừ Nga và Đông Âu, nơi số ca nhiễm mới hằng ngày vẫn tăng.

Nga có tới 8.863 ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 2/6, nâng tổng số ca nhiễm lên 423.741 ca, mức cao thứ 3 thế giới, trong đó có 5.037 ca tử vong. 

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italy, PhápAnh ghi nhận nhiều tiến triển tích cực. Ngày 2/6, Tây Ban Nha không ghi nhận ca nhiễm mới nào lần đầu tiên sau 3 tháng.

Italy ngày 1/6 ghi nhận ca nhiễm mới ở mức tăng thấp nhất trong một ngày (thêm 178 ca) kể từ ngày 26/2. Số ca tử vong tăng thêm 60 ca, cũng là mức tương đối thấp so với số liệu trung bình thời gian gần đây của nước này.

Tại Pháp, ngày 1/6, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 31 ca tử vong, mức thấp nhất trong một ngày kể từ giữa tháng 3. Anh cũng ghi nhận số ca tử vong thấp nhất kể từ khi bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa vào tháng 3.

Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15/6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Trước đó, hồi tháng 3/2020, Chính phủ Đức đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với việc đi lại ở châu Âu, biện pháp sẽ có hiệu lực cho đến ngày 14/6 tới.

*Châu Mỹ nới lỏng hạn chế dù diễn biến vẫn phức tạp 

Tại châu Mỹ, nhiều quốc gia tại khu vực Trung Mỹ như Mexico, Panama, El Salvador, Guatemala, Honduras và Costa Rica đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế để từng bước mở cửa lại nền kinh tế cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới, dù tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Tại Chile, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 5.471 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 105.159 ca, trong đó có 1.113 ca tử vong. Chile hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 3 tại Mỹ Latinh, sau Brazil (514.849 ca) và Peru (170.039 ca).      

*Châu Á với điểm nóng Ấn Độ

Ngày 2/6, Ấn Độ có thêm 8.171 ca mắc mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay đã tăng lên 198.706 ca, tăng gấp hơn 5 lần so với thời điểm cách đây 1 tháng.

Bang Maharashtra là vùng dịch lớn nhất Ấn Độ với hơn 70.000 ca nhiễm, riêng thủ phủ Mumbai đã ghi nhận tới 41.099 ca nhiễm và dự báo sẽ lên tới 50.000 ca trong tuần tới. Tại thủ đô New Delhi, số ca nhiễm cũng đã tăng lên 20.834 ca, 3 tháng sau khi thông báo ca mắc bệnh đầu tiên.

Số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ tăng mạnh sau khi chính phủ trung ương nới lỏng các hạn chế trong lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cho dù một số bang đã quyết định tiếp tục duy trì biện pháp này cho đến ngày 30/6. 

Chính phủ Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trong điều trị khẩn cấp với điều kiện sử dụng 5 liều cho bệnh nhân.

Tại Trung Quốc, xét nghiệm trên diện rộng tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) từ ngày 14/5-1/6 cho thấy không có ca nhiễm mới nào. Thành phố này bắt đầu chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng đối với 9,9 triệu người sau khi xuất hiện các ca mới, làm dấy lên lo ngại làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2. Cũng trong ngày 2/6, học sinh mẫu giáo và 3 lớp đầu tiên của cấp tiểu học tại thành phố Thượng Hải đã trở lại trường học. Trước đó, học sinh các cấp học lớn hơn ở thành phố này cũng đã đi học trở lại.

Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) gia hạn lệnh cấm du khách nước ngoài thêm 3 tháng cũng như biện pháp hạn chế số người tụ tập ở mức 8 người thêm 2 tuần. Cả hai biện pháp trên đều hết hạn vào cuối tháng 6. Những du khách đến Hong Kong cần phải cách ly bắt buộc 14 ngày.

Tại Hàn Quốc, sau vụ lây nhiễm tập thể tại một trung tâm phân phối hàng hóa của trang bán hàng trực tuyến Coupang, nước này lại phát hiện những ca nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động tôn giáo.

Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy trong 38 ca mắc mới, có tới 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca trong số này nhiễm virus SARS-CoV-2 do tham gia sinh hoạt tôn giáo tập thể, chủ yếu ở thủ đô Seoul và thành phố Incheon.

Tại Indonesia, lễ hành hương Haj trong năm nay tại đất nước có đông người Hồi giáo nhất thế giới này đã bị huỷ do lo ngại về dịch COVID-19.

Ngày 2/6, các trường học ở Singapore mở cửa trở lại sau gần 2 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Học sinh đến trường phải tuân thủ các quy định về y tế như đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn cũng như giữ khoảng cách an toàn khi xếp hàng vào lớp, ngồi cách xa nhau tại căngtin...

Là một trong những nước có số ca nhiễm cao nhất ở châu Á, Singapore thông báo sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Phòng đăng ký kết hôn và một số hoạt động kinh doanh cũng trở lại hoạt động vào ngày 2/6.

*Dịch diễn biến phức tạp tại Trung Đông-Châu Phi:

Tại Trung Đông, số ca mắc mới ở Iran tăng mạnh trở lại. Ngày 2/6, nước này có thêm 3.117 ca mới đưa tổng số ca mắc COVID lên 157.562 ca. Nguyên nhân số ca mới tái bùng phát theo nhận định của Bộ Y tế Iran là do người dân không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, chủ quan coi thường dịch bệnh hoặc nghĩ rằng dịch bệnh đã qua.

Iran ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 19/2 và sau đó trở thành một điểm nóng về dịch bệnh này trên thế giới. Khi số ca nhiễm giảm mạnh vào đầu tháng 5, Tehran đã dần dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch.

Tại châu Phi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết tính đến chiều cùng ngày, số ca mắc tại châu lục đã tăng thêm 5.343 ca trong 24 giờ qua lên 152.442 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 116 ca lên 4.344 ca. Trong khi đó, khoảng 63.661 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện.

Đến nay, dịch bệnh đã lây lan đến 54 quốc gia của “lục địa đen”. Số liệu của CDC châu Phi cũng cho thấy những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 gồm Nam Phi, Ai Cập, Nigeria, Algeria, Ghana và Maroc. Khu vực Bắc Phi là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất châu lục xét về cả số ca tử vong và số ca mắc. Tây Phi là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai, sau đó là miền Nam châu Phi. Trong khi đó, Đông và Trung Phi là những khu vực bị tác động ít nhất bởi dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định virus SARS-CoV-2 vẫn chưa suy yếu sau khi có thông tin từ một bác sĩ hàng đầu Italy cho rằng chủng virus này đã biến đổi và yếu dần.

Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO và cũng là một chuyên gia về dịch bệnh, ông Michael Ryan cho biết virus mới sau khi xuất hiện, chúng có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi chúng thậm chí có thể trở nên mạnh hơn. Theo ông, SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và thế giới cần thận trọng./.

>>>CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục