Cập nhật KQKD ngân hàng 6 tháng: Lợi nhuận giảm sút, nợ xấu phình to

08:24' - 26/07/2023
BNEWS Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận giảm sút đáng kể so với cùng kỳ năm trước, trong khi nợ xấu lại tăng đột biến.
Techcombank: CASA hồi phục sau 4 quý đi xuống

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) công bố lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2023 đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí huy động tăng nhanh dẫn đến thu hẹp quy mô thu nhập lãi thuần.

Tính tới cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng đạt 732.500 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm trước. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt đạt 8,5% và 6,6% so với đầu năm. 

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 35% cuối quý II/2023, đánh dấu sự hồi phục sau bốn quý nghịch chiều. Tiền gửi của khách hàng đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số dư CASA đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 248,6 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm.

 
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,1%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%. Nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của ngân hàng; kinh tế tăng trưởng chậm lại và khó khăn của ngành bất động sản; tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác. Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát tốt ở mức 0,9%.

MSB: Hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận năm

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) đã hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận năm với sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. 

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 237.800 tỷ đồng, tăng 11,8% so cuối năm 2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2%, cao hơn mức trung bình toàn ngành. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ có sự tăng trưởng tốt khi tăng lần lượt 24% và 30%.

Về các chỉ số an toàn hoạt động, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tại 30/6/2023 của MSB được kiểm soát ở mức 1,73%. MSB cũng ghi nhận chỉ số an toàn vốn (CAR) riêng lẻ ở mức cao, đạt 12,7%.

Sacombank: Lợi nhuận lũy kế 6 tháng tăng 63,5% so cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế tính đến ngày 30/06/2023 đạt 4.755 tỷ đồng, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 622 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 5% so đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 7,5%. Tổng huy động đạt hơn 549 ngàn tỷ đồng, tăng gần 6%. Ngân hàng cũng tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi với quy mô hơn 25 ngàn tỷ đồng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhờ đó dư nợ tín dụng đạt hơn 460 ngàn tỷ đồng, tăng gần 5%.

Tổng thu nhập thuần đạt hơn 13.500 tỷ, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động được kiểm soát dưới tiến độ theo kế hoạch. Theo đó, tỷ lệ CIR đạt 47,8%, giảm 0,6% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước trích lập chi phí Đề án đạt gần 6.300 tỷ, tạo điều kiện trích lập ròng hơn 1.500 tỷ dự phòng VAMC. Các chỉ số sinh lời tiếp tục được cải thiện tích cực, ROA và ROE lần lượt đạt 1,26% và 19,03%, tăng 0,35% và 5,2% so với năm trước.

Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh với số thu gần 2.700 tỷ nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai Đề án lên gần 90 ngàn tỷ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2% và các tỷ lệ an toàn hoạt động luôn được kiểm soát chặt chẽ dưới mục tiêu điều hành.

VietinBank: Tín dụng tăng trưởng 6,6% sau nửa đầu năm

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động của ngân hàng tính đến hết ngày 30/6/2023 tăng trưởng lần lượt là 6,6% và 6,2% so với cuối năm 2022.

Kết thúc nửa đầu năm, tổng tài sản VietinBank tăng trưởng 2,6% so với cuối năm 2022; thu nhập ngoài lãi tăng trưởng ở mức 21%, cơ cấu thu ngoài lãi trong tổng thu nhập của VietinBank tiếp tục được nâng cao, đạt mức hơn 26%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì 170%.

BaoVietBank: Lợi nhuận 6 tháng chỉ hoàn thành 26% mục tiêu cả năm

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) lãi trước thuế gần 25 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, hoàn thành 26% kế hoạch đặt ra là 95 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2023.

Tại ngày 31/6/2023, tổng tài sản tại ngân hàng này xấp xỉ đầu năm ở mức 78.530 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13% đạt 37.464 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 12% đạt 46.394 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ xấu, tổng nợ xấu tại ngày 30/06/2023 tại ngân hàng này ghi nhận đạt 1.756 tỷ đồng, tăng đến 58% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất (gấp 2 lần) và chiếm đến 87% trong tổng nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng tăng từ mức 3,34% lên 4,69%.

TPBank: Nợ xấu tăng gấp gần 3 lần

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lãi trước thuế của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) đạt hơn 3.383 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của TPBank đạt 343.406 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chiếm 177.113 tỷ đồng, tăng 10% so đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng cũng tăng 2,1% lên mức 199.127 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của TPBank đã tăng vọt 188% lên 3.912,7 tỷ đồng, gấp 2,8 lần đầu kỳ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt gấp 5,6 lần lên 2,146,8 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ cũng tăng mạnh 142% lên 1.129 tỷ đồng (gấp 2,4 lần đầu kỳ); Nợ có khả năng mất vốn tăng 26% lên 636 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh từ mức 0,84% vào đầu năm lên mức 2,21%.

ABBank: Nợ xấu tăng mạnh

Tính đến 30/6/2023, tổng nợ xấu của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) tăng 61,5% so với cuối năm trước lên 3.820 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 156% so với đầu năm, lên mức 1.385 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng tới 212%, lên mức 1.311 tỷ đồng. Riêng chỉ có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% so với đầu năm, ghi nhận 1.123 tỷ đồng. Do đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,88% cuối năm 2022 lên 4,55%.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nếu tính theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN vẫn đảm bảo dưới 3%, ở mức 2,86%.

Lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ABBank chỉ đạt 67 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản ABBank đạt 154.447 tỷ đồng, tăng 18,7%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,5% lên 84.020 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4%, đạt 87.481 tỷ đồng.

BacABank: Lợi nhuận 6 tháng tăng 10%, nợ xấu thấp

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank, mã chứng khoán: BAB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2023 giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ quý I có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của BacABank đạt 135.266 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,6% lên 96.595 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,7% lên 105.366 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 32% trong 6 tháng lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316% lên 175 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của BacABank tăng từ 0,55% lên 0,7%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacABank đạt 158% tại ngày 30/6/2023.

PGBank: Tiếp tục lãi lớn

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB) đạt 303 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 ở mức gần 46.987 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% lên 30.249 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 0,1% xuống 31.228 tỷ đồng.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 12,7% lên 839 tỷ đồng, chiếm 2,77% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng so với mức 2,56% hồi đầu năm.

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 62,2 tỷ đồng lên hơn 146,4 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng từ gần 119,5 tỷ đồng lên mức hơn 141,8 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm nhẹ từ 562,7 tỷ đồng xuống còn hơn 550,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ nhóm 5 lại chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngân hàng, lên đến 66% tổng nợ xấu.

LPBank: Lợi nhuận giảm mạnh

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2023 chỉ ở mức 880 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 32%.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản LPBank đạt 350.243 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,6% lên 253.392 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,8% lên 224.126 tỷ.

Nợ xấu LPBank tăng tới 65% trong 6 tháng lên 5.656 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 80% lên 2.438 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của LPBank từ mức 1,46% hồi đầu năm tăng lên 2,23% vào cuối tháng 6. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm, từ 142% xuống 78%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục