Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới sáng 21/4

06:02' - 21/04/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến 5h45 sáng 21/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới gần chạm mốc 2.500.000 ca, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm gần 7%.

 

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến 5h45 sáng 21/4 (giờ Việt Nam) theo trang thống kê worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là 2.45.440 ca, trong đó có 170.069 ca tử vong, tăng lần lượt 68.865 và 5.038 ca so với 24h trước.

Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 hiện nay đang ở mức 6,95%.

Dịch bệnh đã lan rộng ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số bệnh nhân phục hồi là 645.214 ca. Số ca nguy kịch là 56.444.

Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với 789.383 ca nhiễm và 42.303 ca tử vong (tăng lần lượt 24.747 và 1.728 ca). Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 200.210 ca nhiễm và 20.852 ca tử vong (tăng 1.536 và 399 ca), Italy với 181.228 ca nhiễm và 24.114 ca tử vong (tăng 2.256 và 454 ca), Pháp với 155.383 ca nhiễm và 20.265 ca tử vong (tăng 2.489 và 547 ca). Đứng thứ 5 là Đức với 146.777 ca nhiễm và 4.802 ca tử vong (tăng 1.035 và 160 ca).

Tại Việt Nam, ngày 20/4 không ghi nhận ca nhiễm mới và có thêm 12 bệnh nhân khỏi bệnh. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện nay là 268 trường hợp, trong đó, có 214 người bình phục (80%).

ĐIỂM DIỄN BIẾN MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TRONG 24 GIỜ QUA

Dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu có diễn biến khả quan, một số nước nới dần hạn chế

Ngày 20/4, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đã có những diễn biến khả quan, khi Tây Ban Nha ghi nhận 399 ca tử vong, trong khi con số này tại Italy và Bỉ lần lượt là 433 ca và 232 ca - mức thấp nhất trong vòng một ngày trong gần một tháng qua. Bộ Y tế Bỉ khẳng định cuộc khủng hoảng dịch bệnh của nước này đã qua giai đoạn "đỉnh điểm.

Tại Đức, chính quyền quyền đã bắt đầu nới lỏng một số hạn chế nhằm dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những quy định đã được Chính phủ liên bang và các bang nhất trí tuần trước được coi là khuôn khổ để các bang thực hiện, tuy nhiên mức độ áp dụng cụ thể phụ thuộc vào từng bang.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 20/4 tuyên bố, Đức sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đến từ các nước láng giềng trong EU như một cử chỉ thiện chí.

Albania, Đan Mạch đều đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong khi Na Uy bắt đầu nối lại hoạt động của các trường mẫu giáo.

Về phần mình, Anh tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội tại nước này sẽ chỉ được thực hiện, khi đảm bảo chắc chắn rằng điều này sẽ không dẫn tới đợt bùng phát đại dịch COVID-19 thứ hai.

Trong khi đó, Nga với 47.121 trường hợp nhiễm COVID-19, đã vượt Brazil và Bỉ để đứng vào top 10 nước có ca nhiễm nhiều nhất thế giới, trong đó riêng ngày 20/4 đã ghi nhận thêm 4.268 ca nhiễm SARS-COV-2 tại 76 chủ thể liên bang. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga, con số này đã giảm bớt so với 6.060 trường hợp mới ghi nhận một ngày trước đó. Điều đáng chú ý là số ca tử vong do COVID-19 ở Nga khá thấp (dưới 1%) so với mức trung bình trên thế giới.

Mỹ, Mexico và Canada gia hạn thêm 30 ngày hạn chế hoạt động đi lại qua biên giới chung

Ngày 20/4, các nước Bắc Mỹ gồm Mỹ, Mexico và Canada quyết định gia hạn thêm 30 ngày đối với các quy định hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết qua biên giới chung giữa 3 nước.

Tính riêng tại Mỹ, bang New York ngày 20/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất do COVID-19 kể từ đầu tháng Tư đến nay với 478 ca được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347 trường hợp. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận được Harvard CAPS/Harris Poll công bố độc quyền cho hãng tin The Hill cho thấy, 80% số người dân Mỹ được hỏi đánh giá rằng những hướng dẫn giãn cách xã hội do nhóm đặc nhiệm chuyên trách phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Tổng thống Donald Trump đang đạt được hiệu quả tích cực.

Hãng tin AFP (Pháp) dẫn số liệu thống kê chính thức của các nước Mỹ Latinh cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực này trong ngày 19/4 đã vượt quá 100.000 người với gần 5.000 người tử vong. 

Riêng tại Brazil, quốc gia có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong khu vực, số ca nhiễm hiện nay là 39.144 ca, trong đó có 2.484 ca tử vong.

Nhiều điểm nóng dịch COVID-19 đã qua đỉnh

Hong Kong không có ca nhiễm mới nào trong hơn 45 ngày qua

Trung tâm bảo vệ sức khỏe của Hong Kong (Trung Quốc) (CHP) thông báo không có ca nhiễm mới tại vùng lãnh thổ này trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên trong hơn 45 ngày qua, vùng lãnh thổ này ghi nhận không có ca nhiễm mới nào.

Tuy nhiên, CHP kêu gọi người dân Hong Kong tiếp tục duy trì giãn cách xã hội trong đời sống hàng ngày nhằm làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cũng như nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.

>>Hong Kong (Trung Quốc) công bố quy định mới đối với người bị cách ly

Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục

Trong ngày 20/4, Singapore đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục với 1.426 ca, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 8.014 ca. Như vậy, Singapore tiếp tục có số ca mắc cao nhất tại Đông Nam Á sau khi vượt Indonesia và Malaysia vào ngày 19/4.

Tại Indonesia, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian làm việc tại nhà đối với công chức nhà nước đến ngày 13/5 để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Theo Bộ Y tế Indonesia, trong ngày 20/4, nước này đã ghi nhận thêm 185 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 6.760 người, trong khi 747 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Malaysia đã ghi nhận thêm 36 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ khi chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại và thương mại.

Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Malaysia ghi nhận tổng cộng 5.425 ca mắc COVID-19. Số ca tử vong tại Malaysia hiện vẫn là 89 người.

Tại Campuchia, nhà chức trách cho biết hơn 10.000 công nhân ngành dệt may từ các tỉnh quay trở lại Phnom Penh làm việc sau Tết mừng năm mới Khmer Chol Chhnam Thmey sẽ được đưa tới các địa điểm cách ly bắt buộc. Ngày 20/4 là ngày thứ 7 liên tiếp Campuchia không phát hiện ca mắc mới nào.

Trong ngày 20/4, Thái Lan đã ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.792 người. Đa số các ca nhiễm mới này là ở thủ đô Bangkok và đây cũng là địa phương có nhiều ca COVID-19 nhất nước, với 1.440 bệnh nhân.

Trong 3 ngày liên tiếp vừa qua, nước này đã không ghi nhận thêm ca tử vong nào do COVID-19. Số ca tử vong hiện vẫn là 47 người. Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng, Thái Lan đã gia hạn lệnh cấm bán rượu bia trên toàn quốc cho đến ngày 30/4.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ đã nới lỏng một số hạn chế về hoạt động kinh tế được áp đặt như một phần của lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

>>>Công ty của Ấn Độ chế tạo máy thở rẻ nhất thế giới

Trong thông báo ngày 20/4, nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) cho biết phương pháp mới cho phép họ quan sát sự khác biệt giữa các chuỗi gene của virus SARS-CoV-2 và xác định các cụm gene mới. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng virus SARS-CoV-2 đã phát triển thành một số cụm gene riêng biệt.

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến sáng 21/4 (giờ Việt Nam) cho thấy, đã có thêm 21 người mắc mới tại châu Đại Dương trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc ở châu lục này lên 8.164 người. Trong đó, riêng Australia có 13 ca mắc mới, tổng số 6.625 ca.

>> CẬP NHẬT MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục